Để doanh nghiệp tự “cởi trói” chính mình

Lương Nguyên| 02/03/2018 09:39

Quy mô nhỏ, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý hạn chế… đang là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong quá trình hội nhập quốc tế. Thực tế này đòi hỏi những nỗ lực rõ ràng từ bản thân các doanh nghiệp, đồng thời họ cũng cần sự hỗ trợ thiết thực hơn để có thể tự “cởi trói” cho chính mình trong hành trình phát triển.

ADQuảng cáo

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 1/2018, toàn tỉnh có gần 4.100 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký kinh doanh là hơn 30.790 tỷ đồng. Trong đó, có 3.126 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hơn 900 đơn vị trực thuộc và 8 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Cà phê BaZan Đắk Nông giới thiệu sản phẩm cà phê sạch cho khách hàng

Còn nhiều điểm yếu

Trong những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, cũng như đóng góp vào số thu ngân sách nhà nước của địa phương. Chỉ tính trong giai đoạn 2012-2017, các doanh nghiệp đóng góp vào số thu ngân sách của tỉnh là hơn 6.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hơn 20%/năm.

Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng tăng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, trong đó, 11 doanh nghiệp tham gia ổn định. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh không ngừng tăng lên, từ 537 triệu USD năm 2012 lên 950 triệu USD năm 2017.

Mặc dù đội ngũ doanh nghiệp đã có sự đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của tỉnh, nhưng hiện tại lực lượng doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế, doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Cụ thể, trong tổng số gần 4.100 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 86,64%; doanh nghiệp nhỏ chiếm 12,68%; còn lại là doanh nghiệp vừa. Hầu hết, đội ngũ làm chủ, quản lý doanh nghiệp còn hạn chế về kiến thức quản trị, kỹ năng kinh nghiệm. Toàn tỉnh có khoảng 65% số chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống. Việc quản trị doanh nghiệp vẫn theo mô hình gia đình lạc hậu, thiếu hiệu quả. Điều này được thể hiện rõ trong việc nhiều doanh nghiệp chưa làm tốt công tác quản lý nhân sự, quản lý tài chính, chất lượng hàng hóa, sở hữu công nghiệp…

ADQuảng cáo

Về ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp cũng đang là vấn đề đáng bàn. Hiện nay, hầu hết máy móc, quy trình kinh doanh tại các doanh nghiệp vẫn còn lạc hậu, thiếu hiệu quả, lãng phí tài nguyên, từ đó, giá trị hàng hóa, sức cạnh tranh trên thị trường thấp. Về năng lực tiếp cận các chính sách pháp luật của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vẫn chưa kịp thời. Quá trình tiếp cận vốn tại các tổ chức tín dụng còn thấp, trong khi, nguồn vốn tự có của bản thân mỗi doanh nghiệp không nhiều, dẫn đến bị động về nguồn tài chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động rang xay cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông

Cần hỗ trợ thiết thực từ hiệp hội, nhà nước

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để doanh nghiệp phát triển bền vững, chính bản thân các doanh nghiệp phải tự “cởi trói” cho mình.

Ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để hạn chế tối đa các thất bại như giải thể, trì trệ trong kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải xác định được phạm vi, đối tượng mà mình hướng tới. Nói cách khác, trên cơ sở quy mô, tiềm lực của loại hình doanh nghiệp mình, bản thân các doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp trong việc lựa chọn thị trường, phân khúc thị trường để khai thác, kinh doanh. Ngoài ra, sự liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh đóng vai trò quan trọng. Trong đó, cần phát huy vai trò của các hội, hiệp hội doanh nghiệp.

Ông Đinh Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại xanh Thu Thủy (Đắk Song) chia sẻ: “Cần phát huy, nhấn mạnh vai trò của các hội, hiệp hội doanh nghiệp. Vì đây chính là tổ chức đại diện nói lên tiếng nói của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh. Không những thế, các hội còn hỗ trợ doanh nghiệp về quan hệ lao động, tư vấn pháp lý, đào tạo và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cũng như là chỗ dựa quan trọng cho cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ”.

Về phía chính quyền địa phương cần có nhiều giải pháp thiết thực hơn để hỗ trợ doanh nghiệp. Trước hết, về cải cách hành chính cần thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, trả kết quả tại một đầu mối là trung tâm hành chính công của tỉnh, chuyển từ quản lý sang phục vụ, nhằm giải quyết các vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp kịp thời. Quan tâm tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm mặt bằng sản xuất kinh doanh; khuyến khích các ngân hàng tăng cường vốn tín dụng cho vay đầu tư, sản xuất kinh doanh, có cơ chế cho vay phù hợp hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Các cấp, ngành cũng cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, qua đó giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng trong và ngoài tỉnh…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để doanh nghiệp tự “cởi trói” chính mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO