Để doanh nghiệp vượt qua “chính mình”

Lương Nguyên| 11/09/2018 09:50

Những năm qua, đội ngũ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có nhiều bước phát triển, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của địa phương. Tuy nhiên, những yếu tố như quy mô sản xuất nhỏ, thiếu vốn sản xuất, trình độ quản lý yếu đang trở thành những “rào cản” mà chính các doanh nghiệp cần phải vượt qua.

ADQuảng cáo

Quy trình sấy cà phê trong nhà kính của Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông

Đang từng bước phát triển

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 8/2018, toàn tỉnh có gần 4.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với tổng số vốn đăng ký kinh doanh là hơn 31.590  tỷ đồng. Trong đó, có gần 3.500 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hơn 900 đơn vị trực thuộc và 8 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Về lĩnh vực đầu tư, toàn tỉnh có trên 50% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vận tải; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm trên 20,42%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm 5,67%, còn lại là các lĩnh vực khác.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, cũng như đóng góp vào số thu ngân sách nhà nước của địa phương. Chỉ tính trong giai đoạn 2012-2018, các doanh nghiệp đóng góp vào số thu ngân sách của tỉnh là hơn 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hơn 20%/năm. Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng tăng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, trong đó 11 doanh nghiệp tham gia ổn định thị trường. Từ đây, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh không ngừng tăng lên, từ 537 triệu USD năm 2012 lên 950 triệu USD năm 2017. Về giải quyết việc làm cho lao động, tính đến tháng 6/2018, đội ngũ doanh nghiệp nói chung đã tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động. Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân dẫn đầu trong tạo việc làm cho lao động, với tỷ lệ trên 80%. Bình quân mỗi năm, khối doanh nghiệp này tạo việc làm cho từ 1.200 đến 1.500 lao động.

Còn nhiều hạn chế

Mặc dù đội ngũ doanh nghiệp đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhưng lực lượng doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế, doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Cụ thể, trong tổng số gần 4.400 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 86,64%; doanh nghiệp nhỏ chiếm 12,68%; còn lại là doanh nghiệp vừa. Hầu hết, đội ngũ làm chủ, quản lý doanh nghiệp còn hạn chế về kiến thức quản trị, kỹ năng kinh nghiệm.

Toàn tỉnh có khoảng 65% số chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống. Việc quản trị doanh nghiệp vẫn theo mô hình gia đình lạc hậu, thiếu hiệu quả. Điều này được thể hiện rõ trong việc nhiều doanh nghiệp chưa làm tốt công tác quản lý nhân sự, quản lý tài chính, chất lượng hàng hóa, sở hữu công nghiệp…

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp cũng đang là vấn đề đáng bàn. Hiện nay, hầu hết máy móc, quy trình kinh doanh tại các doanh nghiệp vẫn còn lạc hậu, thiếu hiệu quả, lãng phí tài nguyên dẫn đến giá trị hàng hóa, sức cạnh tranh trên thị trường thấp. Chưa kể, năng lực tiếp cận các chính sách pháp luật của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vẫn chưa kịp thời. Quá trình tiếp cận vốn tại các tổ chức tín dụng còn thấp, trong khi nguồn vốn tự có của bản thân mỗi doanh nghiệp không nhiều, dẫn đến bị động về nguồn tài chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tính đến hết tháng 8/2018, toàn tỉnh mới chỉ có gần 700 doanh nghiệp được tiếp cận vốn qua hệ thống ngân hàng thương mại, với dư nợ trên 2.500 tỷ đồng. Đây là một minh chứng về khả năng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn quá khiêm tốn.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R'lấp)

Đẩy mạnh tiếp cận tín dụng và chương trình hỗ trợ

Có thể nói, hiện nay đội ngũ doanh nghiệp là một trong những trụ cột giúp tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn chung trong thời gian qua các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ vẫn chưa đáp ứng hết kỳ vọng, bởi tất cả các nguồn lực còn hạn chế. Để “tiếp sức” cho các doanh nghiệp phát triển, cần nhiều hơn nữa những giải pháp mang tính bền vững và dài hơi hơn.

Ông Nguyễn Nho Lý, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu An Phong chia sẻ: “Trước hết, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp là cần được tăng cường thêm nguồn vốn theo hướng đồng bộ, kịp thời. Khung pháp lý chung về phát triển giúp doanh nghiệp nhỏ tháo gỡ khó khăn về sản xuất bằng việc hỗ trợ tiếp cận nguồn cung tài chính, cũng như thực hiện các chương trình hỗ trợ cần được tăng cường hơn nữa”.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Tất Thắng cho biết: “Ngoài tiếp cận tài chính cũng như các chính sách hỗ trợ, những khó khăn trong việc tạo mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm thông qua chương trình khuyến công, đổi mới công nghệ, máy móc trong sản xuất cũng cần phải sớm được chính quyền quan tâm tháo gỡ”.

Bàn về giải pháp phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Trần Văn Thuân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông cho biết: Hiện tại, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có liên kết trong quá trình sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng. Do vậy, một giải pháp quan trọng hiện nay là cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như liên kết với các doanh nghiệp lớn, nhằm tạo ra hệ thống quy trình sản xuất đạt các tiêu chuẩn cho xuất khẩu, tạo chuỗi sản xuất lớn.

Từ đây cho thấy, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ hệ thống chính sách của nhà nước, để phát triển bền vững trong điều kiện nền kinh tế hội nhập, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong nâng cao trình độ, năng lực; tăng cường liên kết và sự năng động, sáng tạo để vượt qua những "rào cản" hiện hữu trước mắt cũng như lâu dài.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để doanh nghiệp vượt qua “chính mình”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO