Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững

Hồng Thoan| 24/08/2021 09:11

Đắk Nông được xem là "miền đất hứa" của ngành chăn nuôi, vì những lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn lao động... Thế nhưng, ngành chăn nuôi hiện đang bộc lộ không ít thách thức. Trong đó, các vấn đề về quản lý, dịch bệnh, con giống, đầu ra không ổn định... đang làm cho ngành chăn nuôi phát triển chưa bền vững.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Nhận diện những thách thức

Chăn nuôi phát triển chưa bền vững, phụ thuộc nhiều yếu tố bên ngoài đang đặt ra không ít thách thức đối với ngành chăn nuôi của tỉnh.

Dịch tả heo châu Phi đã làm chết trên 4.900 con heo trên toàn tỉnh

Phát triển chưa bền vững

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của Đắk Nông phát triển mạnh. Thống kê của Sở Nông nghiệp - PTNT, đến tháng 6/2021, tổng đàn gia súc của tỉnh đạt khoảng 346.000 con, tăng khoảng  25.000 con so với cuối năm 2020.

So với cuối năm 2017, tổng số đàn vật nuôi tăng khá nhiều, trong đó tăng nhanh nhất là đàn gia cầm với 500.000 con; đàn heo tăng 66.000 con; đàn dê tăng 20.000 con.

Tổng đàn gia súc của tỉnh Đắk Nông, tính đến tháng 6 năm 2021. Đồ họa: Việt Dũng

Việc chăn nuôi phát triển mạnh đã góp phần bảo đảm lượng hàng hóa thực phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngành chăn nuôi còn tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình, nhất là ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn thiếu bền vững. Nhiều năm qua, ngành chăn nuôn luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, nhất là đối với những cơ sở chăn nuôi không tuân thủ tốt các quy trình về an toàn sinh học.

Điển hình như các năm 2019 - 2020, dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại các huyện, thành phố, làm hơn 4.900 con heo của 334 hộ dân bị mắc bệnh, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi heo của tỉnh.

Dịch lở mồm long móng nhiều lần xảy ra trên đàn trâu, bò của tỉnh. Cụ thể ngày 15/1/2020, tại bon Bu Prăng 2, xã Quảng Trực (Tuy Đức), đã xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò của người dân địa phương. Dù dịch bệnh nhanh chóng được khống chế, dập tắt nhưng để lại khá nhiều hệ lụy cho người chăn nuôi, nhất là việc tái đàn.

Sau dịch bệnh, người dân phải xử lý chuồng trại kỹ càng mới có thể tái đàn

Đầu tháng 7/2021, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện tại xã Nam Đà (Krông Nô). Sau đó 15 ngày, có thêm 16 con bò mắc bệnh của 13 hộ dân tại Nam Đà, Đắk Mâm, Buôn Choáh, Đắk Sôr, Đắk D'rô (Krông Nô) và 1 hộ tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong). Nguyên nhân mắc bệnh được xác định là do phương tiện vận chuyển, mua bán trâu, bò có bệnh từ nơi khác vào địa bàn làm lây lan nguồn bệnh.

ADQuảng cáo

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, những năm qua, mặc dù ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển, nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu an toàn. Trong đó, sự xuất hiện của dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm, heo tai xanh... đã làm ảnh hưởng, thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.

Nếu không chủ động phòng, chống dịch, người chăn nuôi gia cầm gặp không ít rủi ro

Thụ động so với thị trường

Do thiếu liên kết, nên sản phẩm chăn nuôi của tỉnh phụ thuộc khá nhiều vào thị trường. Khoảng thời gian từ tháng 9 - 11/2019, dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại lớn, làm giá heo tăng cao, nhưng người dân lại không có heo để bán.

Từ cuối năm 2020 đến nay, người chăn nuôi trong tỉnh chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi giá con giống, thức ăn, vật tư chăn nuôi tăng cao. Theo nhiều hộ dân, thời điểm hiện tại, giá heo hơi chỉ khoảng 53.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi lại liên tiếp tăng cao.

Tính từ tháng 11/2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 250.000 đồng lên 320.000 đồng/bao (loại 25 kg). Nhiều trang trại, nông hộ chỉ chăn nuôi cầm chừng, không dám tăng đàn trong thời gian này.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đang diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây

Gia đình ông Lê Văn Anh, thôn 3, xã Đắk Ha (Đắk Glong), nuôi 70 con heo thịt và 7 heo nái. Giá heo hơi liên tục giảm, trong khi giá thức ăn tăng cao, khiến gia đình ông gặp nhiều khó khăn.

Ông Anh cho biết: “Với mức giá hiện tại, gia đình tôi chỉ nuôi cầm chừng để duy trì đàn. Những tháng tiếp theo, nếu giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá heo hơi không tăng, tôi sẽ giảm 50% đàn nuôi”.

Theo tính toán của ông Anh, nếu như trước đây, giá heo hơi ở mức từ 78.000 - 80.000 đồng/kg, người chăn nuôi có sẵn nguồn heo giống, sẽ có lãi từ 2 - 2,5 triệu đồng/con. Những hộ phải mua con giống lãi ít hơn một chút.

Còn với giá heo hơi ở mức từ 55.000 đồng/kg trở xuống, người nuôi heo chắc chắn lỗ. Bởi mỗi con heo nuôi từ 3-4 tháng mới đạt trọng lượng 1 tạ, chi phí khoảng 5 triệu đồng. Trong khi giá bán chỉ được 4,5 triệu đồng/con, lỗ 500.000 đồng, chưa tính công chăm sóc, chi phí điện, nước.

Ngày 2/8/2018, HĐND tỉnh Đắk Nông ban hành Nghị quyết số 05 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu tăng giá trị chăn nuôi từ 7,6 - 10,4%/năm.

>>Kỳ 2: Tìm hướng đi bền vững

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO