Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững (kỳ 3): Nâng cao hiệu quả công tác quản lý

Hồng Thoan| 26/08/2021 08:36

Là tỉnh có nhiều tiềm năng cho phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi quy mô trang trại. Do đó, nếu công tác quản lý Nhà nước về chăn nuôi tốt, lĩnh vực này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

ADQuảng cáo

Đồng bộ khâu quản lý, quy hoạch

Số lượng trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tăng nhanh trong những năm gần đây. Hiện nay, tỉnh có khoảng 170 trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, trong đó 76 trang trại nuôi heo, 73 trang trại nuôi bò và 21 trang trại gia cầm.

Cùng với sự gia tăng về số lượng, vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước nhằm bảo đảm chăn nuôi bền vững đã được đặt ra. Không ít nhà đầu tư đã “bỏ qua” một số thủ tục, điều kiện bảo đảm, gây hậu quả xấu.

Toàn tỉnh hiện có 170 trang trại chăn nuôi

Cụ thể, đầu năm 2020, Công ty TNHH Chăn nuôi Quảng Sơn (Đắk Glong) đã tiến hành san lấp mặt bằng, thi công xây dựng trang trại chăn nuôi heo tại xã Quảng Sơn.

Điều đáng nói, các hoạt động này được thực hiện khi công ty chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, môi trường. Ngày 26/10/2020, UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty 380 triệu đồng vì các sai phạm.

Ngoài trường hợp điển hình này, thời gian qua, có không ít doanh nghiệp, cá nhân hoạt động chăn nuôi vi phạm các quy định về đầu tư, đất đai; không theo quy hoạch, kế hoạch của tỉnh.

Dẫn đến tình trạng trên, có một phần trách nhiệm từ khâu quản lý Nhà nước về hoạt động chăn nuôi. Hay nói cách khác, công tác quản lý hoạt động chăn nuôi chưa phát huy hết hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng, các địa phương thực hiện việc lập quy hoạch chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.

Trong đó, quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, mật độ chăn nuôi bảo đảm sự đồng đều giữa các huyện, thành phố. Các cấp, ngành liên quan cần có sự khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết về điều kiện tự nhiên, ưu tiên chăn nuôi ở những khu vực đất cằn cỗi, không phù hợp cho trồng trọt.

Đối với các trại nuôi quy mô nhỏ của cá nhân, hộ gia đình, hình thành tự phát, gần khu dân cư, trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng... phải có phương án tổ chức di dời.

Đối với các trang trại chăn nuôi nằm trong khu quy hoạch du lịch, sinh thái, khu vực không được phép chăn nuôi... tỉnh đã xây dựng phương án di dời theo quy định tại Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND, ngày 11/12/2020 của HĐND tỉnh.

Đồ họa: V.D

Quy hoạch 3 vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao

Ngày 3/1/2019, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 02 về việc thực hiện Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đến năm 2030, định hướng đến 2035.

Theo đó, tỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, bò sữa ƯDCNC tại xã Quảng Phú (Krông Nô); quy hoạch vùng chăn nuôi heo ƯDCNC tại các xã Quảng Khê, Đắk Ha và Đắk Som (Đắk Glong); quy hoạch vùng chăn nuôi gia cầm ƯDCNC tại xã Quảng Tín (Đắk R’lấp).

Siết chặt hoạt động bảo vệ môi trường

Thời gian qua, nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động bảo vệ môi trường. Gần đây nhiều hộ dân tại thôn Nam Tiến, xã Ea Pô (Cư Jút) đã xả nước thải chăn nuôi xuống hồ không lót đáy hoặc qua hầm biogas, sau đó thải ra môi trường.

Điều này đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm, nước mặt trên địa bàn. Theo chính quyền địa phương, nhiều hộ dân không thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định hoặc chỉ thực hiện theo kiểu đối phó.

ADQuảng cáo

Qua kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, 24 trang trại heo tại xã Ea Pô đều vi phạm về bảo vệ môi trường. UBND huyện Cư Jút đã lập 24 hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp này.

Theo ông Ngô Chí Trung, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xử lý về những vi phạm trong bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực chăn nuôi.

Theo đó, nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung được đưa ra là chấn chỉnh công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường sơ bộ. Khâu thẩm định sẽ được thực hiện kỹ hơn đối với các báo cáo đánh giá tác động môi trường; kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường; bản vẽ thiết kế xây dựng...

Lực lượng chức năng lấy mẫu quan trắc tại bể chứa nước thải của một cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh

Cũng theo ông Trung, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện các dự án chăn nuôi. Việc giám sát sẽ tập trung từ khâu xây dựng đến quá trình vận hành, hoạt động.

Ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến tới loại bỏ những trang trại chăn nuôi tự phát, hoạt động trái quy định. Đối với các dự án, trang trại chăn nuôi xây dựng mới, chỉ cho phép hoạt động khi được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Hoạt động nghiên cứu, đánh giá và ứng dụng các công nghệ xử lý môi trường tiên tiến, hiện đại, tận dụng và xử lý triệt để chất thải chăn nuôi, chi phí phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương cần quan tâm nhiều hơn.

Ông Trung nhấn mạnh: “Việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về môi trường không chỉ là trách nhiệm của ngành Tài nguyên và Môi trường, cảnh sát môi trường mà có vai trò lớn của các địa phương, đơn vị khác”.

Heo giống được một trang trại chăn nuôi nhập về

Nâng cao chất lượng quản lý, phát triển con giống

Chăn nuôi ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu con giống tăng cao. Để chăn nuôi phát triển bền vững, việc siết chặt quản lý con giống cũng là yếu tố hết sức cần thiết.

Hiện nay, số lượng con giống sản xuất, cung ứng trên địa bàn tỉnh còn ở mức khiêm tốn. Vì vậy, hàng năm, các cơ sở chăn nuôi, người dân phải nhập con giống từ các nơi khác về với số lượng khá nhiều. Nguồn giống này nếu không được quản lý chặt chẽ, sẽ rất dễ xảy ra dịch bệnh, gây hậu quả khó lường.

Những năm gần đây, công tác quản lý về chất lượng con giống đã được ngành chuyên môn và chính quyền địa phương chú trọng. Tuy nhiên, thực tế vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân lén lút nhập giống gia súc, gia cầm trái phép, có chứa nguồn bệnh, làm ảnh hưởng lớn đến tình hình chăn nuôi trên địa bàn.

Để phát triển chăn nuôi bền vững, các ngành chức năng còn rất nhiều việc phải làm

Hiện nay, tổng đàn gia súc của tỉnh đạt khoảng 346.000 con, trong đó, heo: 276.000 con; dê: 34.000 con; bò: 31.500 con; trâu 5.200 con. Đàn gia cầm của tỉnh đạt khoảng 2,6 triệu con. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tăng thêm khoảng ½ đàn gia súc, gia cầm so với hiện nay.

Như vậy, những năm tới, trên địa bàn tỉnh sẽ cần một lượng lớn con giống. Do đó, để bảo đảm an toàn dịch bệnh trong phát triển chăn nuôi, trước hết cần phải thực hiện nghiêm túc các nội dung về chất lượng và kiểm dịch gia súc, gia cầm làm giống được quy định theo Pháp lệnh Thú y.

Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, để chăn nuôi phát triển bền vững, quản lý chặt chẽ con giống là yếu tố không thể thiếu. Việc này đòi hỏi phải có sự vào cuộc không chỉ ở ngành chăn nuôi, thú y mà cả nhiều lực lượng khác, kể cả người dân.

Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cơ sở sản xuất, gia công giống vật nuôi đúng quy định, bảo đảm chất lượng, an toàn dịch bệnh. Có như vậy mới đáp ứng tốt nhu cầu phát triển chăn nuôi một cách bền vững…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững (kỳ 3): Nâng cao hiệu quả công tác quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO