“Điểm tựa” của hội viên Hội Phụ nữ Đắk R’lấp

Nguyễn Lương| 20/12/2017 08:54

Thông qua hoạt động ủy thác với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), thời gian qua, các cấp hội phụ nữ huyện Đắk R’lấp đã phát huy vai trò “cầu nối” trong việc tạo điều kiện cho nhiều hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Từ đây, nhiều gia đình hội viên đã có vốn để đầu tư vào phát triển cây trồng, vật nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

ADQuảng cáo

Nhiều hội viên Hội Phụ nữ Đắk R'lấp được vay vốn từ NHCSXH huyện để đầu tư  chăm sóc cây trồng

Năm 2015, bà Nguyễn Thị Ngát, ở thôn 3, xã Nhân Đạo đã tiếp cận được nguồn vốn theo chương trình hộ mới thoát nghèo từ NHCSXH huyện để tập trung vào chăn nuôi gà và chăm sóc cà phê. Có vốn, bà đã mua hơn 150 con gà thả vườn để nuôi, số còn lại đầu tư vào chăm sóc cà phê. Hiện nay, đàn gà và vườn cà phê đều sinh trưởng và phát triển ổn định, mang lại nguồn thu nhập hơn 35 triệu đồng/năm.

Theo bà Ngát thì “Nguồn vốn thoát nghèo giải ngân đúng lúc như là “chiếc cần câu” giúp gia đình tôi có thêm động lực để xây dựng cuộc sống. Hiện tại, gia đình đang tập trung phát triển đàn gà và chăm sóc cà phê đúng hướng, nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay”.

Chị Lê Thị Thúy, ở thôn Tân Phú, xã Ðắk Ru cũng là hội viên Hội phụ nữ điển hình vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH. Với số tiền được vay là 25 triệu đồng, chị đã dùng đầu tư vào trồng trọt và mua bò về nuôi để có thêm thu nhập. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do địa phương tổ chức, cũng như linh hoạt trong việc áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi nên cây trồng của gia đình cho năng suất cao hơn, đàn bò cũng sinh sản tốt. Đến nay, gia đình chị đã thoát được nghèo.

ADQuảng cáo

Đánh giá về công tác ủy thác vốn thông qua Hội Phụ nữ huyện, ông K’Ngai, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk R’lấp cho biết: “Thông qua hệ thống hơn 60 tổ TK&VV do Hội Phụ nữ quản lý, tín dụng chính sách đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, từ đó, tạo được "điểm tựa" tin cậy cho hội viên trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo”.

Theo bà Lê Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đắk R’lấp, tính đến nay, hội đã thực hiện ủy thác vốn từ NHCSXH được gần 77 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, các cấp hội đã tạo điều kiện cho hơn 2.430 lượt hội viên được vay vốn phát triển kinh tế. Để cùng NHCSXH phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi, Hội luôn gắn nguồn vốn vay với các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Thông qua nhiều hình thức như tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo… các cấp hội đã hướng dẫn hội viên từng bước áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả nguồn vốn. Hội đã chủ động phối hợp với NHCSXH tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội phụ trách hoạt động ủy thác, Ban Quản lý Tổ TK&VV những kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra giám sát. Nhờ đó, chất lượng tín dụng ở cơ sở từng bước được nâng cao, cũng như ngăn chặn kịp thời hiện tượng lợi dụng vốn tín dụng chính sách trong quá trình thực hiện.

Đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn tại các tổ TK&VV do Hội Phụ nữ quản lý là 143 triệu đồng, chiếm 0,18% tổng dư nợ. Cùng với công tác cho vay, để tạo thói quen dành tiền tiết kiệm cho hội viên, Hội phụ nữ các cấp tại địa phương đã phối hợp với NHCSXH tổ chức tuyên truyền, vận động các hội viên làm tốt việc thực hành tiết kiệm. Với mức trung bình từ 40 đến 50 ngàn đồng/người/tháng, đến nay, số tiền do các hội viên gửi tiết kiệm qua các cấp hội là gần 1,6 tỷ đồng. Hằng tháng, có 98% hộ nghèo, các gia đình thuộc diện chính sách đã tham gia gửi tiền tiết kiệm, thông qua 100% tổ TK&VV.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Điểm tựa” của hội viên Hội Phụ nữ Đắk R’lấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO