“Điểm tựa” của hội viên, nông dân

Thanh Nga| 08/03/2017 10:20

Với việc tăng cường hỗ trợ về nhiều mặt, các cấp hội nông dân đã nâng cao vai trò, vị trí, thực sự là “điểm tựa” cho hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế.

ADQuảng cáo

Được Hội Nông dân tập huấn kỹ thuật, anh Nguyễn Văn Làn ở thị trấn Đức An (Đắk Song) áp dụng sản xuất chanh dây theo hướng an toàn

Giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn

Thời gian qua, Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) đã không ngừng phát triển, với việc các cấp hội từ tỉnh đến xã đều đã xây dựng được nguồn quỹ và hiện tổng quỹ đạt trên 24,4 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn này, năm 2016, Quỹ HTND các cấp đã triển khai 103 dự án, giúp trên 870 lượt hộ nông dân vay vốn để xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Các cấp hội đã xây dựng các dự án gắn với phát triển sản xuất, thu hút đông đảo hội viên tham gia và phát huy hiệu quả. Điển hình như các dự án: Cải tạo nâng cấp vườn cà phê thực sinh ở xã Thuận An (Đắk Mil); Chăn nuôi bò ở xã Đắk Sôr (Krông Nô) và xã Quảng Trực (Tuy Đức)...

Thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND, các cấp hội còn thành lập được các câu lạc bộ, tổ hợp tác sản xuất như: Câu lạc bộ chăn nuôi bò lai ở thị trấn Ea T’ling (Chư Jút); Tổ hợp tác trồng lúa cánh đồng mẫu xã Buôn Choáh (Krông Nô); Tổ hợp tác VAC phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa); Tổ hợp tác trồng cây ăn trái ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa)…

Qua việc tham gia dự án, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững. Sau khi hoàn trả vốn vay, nhiều nơi các hộ tiếp tục duy trì được sự liên kết trong việc phát triển mô hình. Thực tế cho thấy, quỹ đã thực sự góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giải quyết được công ăn việc làm hơn cho nhiều lao động nhàn rỗi.

Bên cạnh đó, các cấp hội còn tích cực phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, nông dân trong tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất. Tính đến cuối năm 2016, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh tạo điều kiện cho 18.044 lượt hộ vay với dư nợ gần 570 tỷ đồng để đầu tư vào phát triển sản xuất.

ADQuảng cáo

Chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất bền vững

Điều đáng nói nữa là những năm gần đây, hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật và công tác quản lý trong sản xuất, kinh doanh để sản xuất bền vững luôn được chú trọng. Chỉ tính riêng năm 2016, các cấp hội đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi và các nghề tiểu thủ công nghiệp cho trên 3.500 lượt hội viên, nông dân. Các cấp hội cũng xây dựng 9 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản.

Hoạt động dịch vụ cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ hàng hóa, xây dựng thương hiệu nông sản để hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất cũng được đẩy mạnh. Hơn 1 năm qua, các cấp hội phối hợp với các công ty phân bón triển khai cung ứng cho hội viên, nông dân 4.015 tấn phân bón theo hình thức mua trả chậm.

Trong đó, riêng Hội Nông dân tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần ứng dụng công nghệ sinh học An Thái, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Việt Tiệp hỗ trợ 114 tấn phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân ở các huyện Chư Jút, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong.

Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Công ty TNHH Enzyma triển khai thử nghiệm 3ha hồ tiêu sử dụng chế phẩm sinh học BIOWISH để ngăn ngừa bệnh chết nhanh, chết chậm cho cây hồ tiêu, cà phê, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Kết quả cho thấy, mô hình thử nghiệm cây tiêu sinh trưởng, phát triển tốt và ít bị bệnh hơn so với mô hình đối chứng. Đồng thời, hai bên cũng phối hợp tổ chức tập huấn hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho hội viên, nông dân và triển khai cho 7 hộ chăn nuôi heo thịt và 5 hộ chăn nuôi gà thịt với chất lượng cao.

Cùng với hỗ trợ về kỹ thuật thì Hội nông dân các cấp còn liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho nông dân. Thông qua hoạt động liên kết của Hội, Tổ hợp tác rau an toàn VietGap Đồng Tiến ở xã Thuận Hà (Đắk Song), Tổ hợp tác rau an toàn thôn 2 ở xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) mỗi năm được tiêu thụ trên 1.300 tấn sản phẩm rau tươi. Trang trại bơ Thùy Vân ở xã Đắk N’Drót (Đắk Mil) bình quân mỗi năm tiêu thụ khoảng 50 tấn sản phẩm bơ tươi.

Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thì trong thời kỳ hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, các cấp hội nông dân luôn chú trọng khâu chuyển giao khoa học kỹ thuật và nâng cao trình độ quản lý cho nông dân. Hội khuyến khích nông dân đầu tư sản xuất các sản phẩm được chứng nhận các tiêu chuẩn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như giúp nông dân đưa các nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap vào tiêu thụ tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Điểm tựa” của hội viên, nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO