Điện mặt trời mái nhà phải tiết giảm công suất

Thanh Hằng| 28/09/2021 08:26

Liên tục trong những tháng qua, nhiều chủ đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) phải tiết giảm công suất phát lưới. Đây là cách mà các chủ đầu tư chia sẻ khó khăn với ngành điện trong thời điểm dịch Covid-19 nhưng về lâu dài phải có biện pháp để bảo đảm lợi ích giữa các bên.

ADQuảng cáo

"Điện ế"

Tháng 10/2020, Báo Đắk Nông từng có nhiều bài viết phản ánh về việc thỏa thuận đấu nối các dự án ĐMTMN. Đến nay, khi tất cả các công trình ĐMTMN đã được thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện, thì hệ quả là tình trạng… “điện ế”. Trong nhiều tháng qua, hàng trăm dự án ĐMTMN phải tiết giảm công suất phát điện và buộc phải sa thải điện.

Ông Lê Ngọc Anh, chủ một dự án ĐMTMN kết hợp trồng nấm ở thôn Nam Tiến, xã Ea Pô (Cư Jút) cho biết, năm 2019 gia đình ông đầu tư 6 tỷ đồng trồng nấm công nghệ cao. Tận dụng hơn 1 ha diện tích mái công trình trồng nấm, ông đã lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời theo đúng quy định của công trình ĐMTMN. Tổng số vốn đầu tư cho dự án này khoảng 26 tỷ đồng, trong đó 70% là vay vốn từ ngân hàng.

Hàng ngày, ông Lê Ngọc Anh phải tự tiết giảm khoảng 11%-30% công suất phát điện

Từ đầu năm 2021 tới nay, đặc biệt là trong các tháng 7 - 8 - 9, ông Ngọc Anh liên tục nhận được tin nhắn thông báo tiết giảm công suất phát lưới. Tính trung bình, mỗi tháng, ông Ngọc Anh thiệt hại từ 50-70 triệu đồng vì việc tiết giảm này.

“Doanh nghiệp của tôi đã 3 lần phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện. Tháng 2 và tháng 5 là tiết giảm luân phiên theo ngày, nhưng từ tháng 7 tới nay, ngày nào cũng phải tự tiết giảm từ 11%-30% công suất. Việc tiết giảm này ảnh hưởng tới quá trình phục hồi vốn và trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp”, ông Lê Ngọc Anh cho hay.

Các chủ đầu tư ĐMTMN mong muốn có giải pháp, cơ chế để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên

Ông Nguyễn Tăng Hưng, chủ đầu tư dự án ĐMTMN kết hợp chăn nuôi gà tại thôn Trung Hòa, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) cho biết thêm, hàng ngày ngành điện thường gửi thông báo bằng tin nhắn qua điện thoại, chủ đầu tư đều phải tự tiết giảm điện theo tỷ lệ. Thời gian thực hiện tiết giảm từ khung giờ 8h-15h hàng ngày.

ADQuảng cáo

Theo ông Hưng, điều bất hợp lý là khung giờ tiết giảm chính là thời gian mà hoạt động sản xuất ĐMTMN hiệu quả nhất. Hiện nay thiệt hại khi không giải tỏa hết công suất điện của công trình ĐMTMN là vô cùng lớn, tình trung bình mỗi ngày mất khoảng 2-3 triệu đồng.

“Phần lớn các chủ đầu tư đều đầu tư theo cơ chế khuyến khích của Chính phủ và của ngành điện. Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm từ khi đi vào hoạt động, chúng tôi liên tục phải tiết giảm điện. Hiện tại, số điện được phát lên lưới không đủ để thanh toán tiền nợ ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ nợ quá hạn, phá sản”, ông Hưng tâm tư.

Cần bảo đảm hài hòa lợi ích

Theo lý giải của ngành điện, năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, khiến cho nhu cầu tiêu thụ điện giảm mạnh, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất phát lên hệ thống.

Hàng loạt dự án ĐMTMN phải tiết giảm công suất phát điện từ nhiều tháng qua

Theo dự kiến của Tổng Công ty Điện lực miền Trung tại Công văn số 7935 ngày 19/9, trong 4 tháng cuối năm 2021, đơn vị này sẽ mua 94 triệu kWh điện, tương đương mỗi tháng khoảng 23-24 triệu kWh. Sản lượng mua điện trung bình các tháng còn lại chỉ bằng ½ so với các tháng đầu năm.

“Công ty Điện lực Đắk Nông cam kết điều tiết nguồn ĐMTMN công bằng, khách quan, minh bạch. Vì an ninh, an toàn của hệ thống điện, rất mong các doanh nghiệp, khách hàng chia sẻ và cảm thông với ngành điện”, đại diện ngành điện cho biết.

Theo ngành điện, hiện toàn tỉnh có 1631 hệ thống, dự án ĐMTMN

Tuy nhiên, theo các chủ đầu tư ĐMTMN, hiện tại thiệt hại của họ rất lớn, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Để bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên, nhất là tránh nguy cơ doanh nghiệp trở thành “con nợ” của ngân hàng, đứng trước bờ vực phá sản, ngành điện phải có những cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện mặt trời mái nhà phải tiết giảm công suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO