Doanh nghiệp cần có sự bứt phá

Tường Mạnh| 22/07/2019 10:43

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4.465 doanh nghiệp đăng ký hoạt động nhưng chỉ có 2.242 doanh nghiệp đang hoạt động.

ADQuảng cáo

Qua rà soát tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tỉnh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của 238 doanh nghiệp; thông báo vi phạm đối với 333 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh. Điều đáng lưu ý là hoạt động của các doanh nghiệp đang có sự phân cực rõ rệt.

Các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cà phê cần chú trọng đến lĩnh vực chế biến cà phê bột để nâng cao giá trị cà phê. Ảnh: Rang xay chế biến cà phê bột tại Công ty CP Godere, ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa). Ảnh: Lê Phước

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp lớn và vừa ở các lĩnh vực thủy điện, khai khoáng, chế biến công nghiệp…, hoạt động kinh doanh tương đối thuận lợi. Trong khi đó, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ còn một số hạn chế như chủ doanh nghiệp còn thiếu kiến thức quản trị và kỹ năng, kinh nghiệm quản lý; thiếu nguyên liệu và vốn… Thực tế này cho thấy tình hình phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện còn rất nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Sở dĩ có sự phân cực như trên, một phần lớn cũng xuất phát từ việc doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trình độ sản xuất, kinh doanh, quản lý còn hạn chế, hoạt động kinh doanh còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa tạo dựng được thương hiệu, uy tín trên thị thường. Các ngành nghề chịu nhiều tác động của yếu tố tự nhiên và chịu sự biến động của thị trường. Các doanh nghiệp hoạch toán kế toán chưa theo chuẩn mực, thiếu minh bạch nên chưa phản ánh đầy đủ tình hình của doanh nghiệp. Hồ sơ pháp lý của tài sản thế chấp đôi khi chưa rõ ràng nên mức vay vốn ngân hàng không cao. Năng lực tài chính, độ nhanh nhạy trong tiếp cận thị trường, nguồn vốn, khả năng hợp tác kinh doanh và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch với cơ quan Nhà nước còn nhiều hạn chế.

ADQuảng cáo

Thực tế trên đang đòi hỏi về phía doanh nghiệp cần phải nhìn nhận lại năng lực, khả năng về mọi mặt của mình để có sự điều chỉnh, nỗ lực hơn trong quá trình phát triển, chứ không nên trông chờ vào các cấp chính quyền, cơ quan chức năng. Tỉnh, các ngành chức năng cam kết tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp chỉ mới là điều kiện “cần” mà thôi. Cái chính và quan trọng nhất là bản thân doanh nghiệp cần phải phát huy nội lực của mình.

Theo khuyến cáo của tỉnh, doanh nghiệp cần phải mạnh dạn đổi mới công nghệ, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường. Bởi vì, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nếu doanh nghiệp không mở rộng quy mô, thay đổi công nghệ, không nhanh nhạy nắm bắt thị trường, tìm được các phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của địa phương thì chắc chắn sẽ “thua ngay trên sân nhà”.

Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, UBND tỉnh đã nhấn mạnh quan điểm là tạo điều kiện cho các loại hình doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, tỉnh rất mong muốn hình thành được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đầu tàu trong các ngành sản xuất được xem là thế mạnh của tỉnh như sản xuất bôxít, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao... Bởi vì, có hình thành được những doanh nhân, doanh nghiệp đầu tàu thì mới có thể tạo dựng được những ngành sản xuất, sản phẩm mũi nhọn, khai thác có hiệu quả những tiềm năng đất đai, nguyên liệu, lao động của tỉnh. Không những vậy, những “đầu tàu” này còn làm động lực để “kéo” các doanh nghiệp khác cùng phát triển và cùng hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh một lĩnh vực nào đó.

Có thể nói, trong cơ chế thị trường hiện nay, việc thành lập một doanh nghiệp không khó, cái khó nhất là doanh nghiệp đó có thể tồn tại và phát triển được hay không. Vì vậy, điều quan trọng nhất chính là thực lực, khả năng phát triển của các doanh nghiệp như thế nào. Bởi vì, hiệu quả, sự thành công hay thất bại trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần chỉ là vì bản thân doanh nghiệp mà còn có sự tác động không nhỏ đối với tình hình  kinh tế-xã hội chung của tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp cần có sự bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO