Doanh nghiệp cần thêm chia sẻ từ các ngân hàng

Nguyễn Lương| 13/08/2021 10:01

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đã có nhiều cách thức được các ngân hàng thương mại triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, phía cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang chờ những động thái mang tính thiết thực hơn từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Nhiều chính sách hỗ trợ

Ngày 3/6/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Văn bản 3947/NHNN-TD về việc triển khai biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Văn bản nêu rõ, các tổ chức tín dụng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ MDF Bison (Đắk Song)

Tại Đắk Nông, sau khi văn bản được ban hành, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát mức độ thiệt hại để hỗ trợ doanh nghiệp. Các ngân hàng trên địa bàn đã triển khai nhiều gói giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhóm khách hàng này.

Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Đắk Nông, nhiều doanh nghiệp đã, đang được đơn vị thực hiện hỗ trợ. Theo ông Phạm Quốc Việt, Phó Giám đốc BIDV Đắk Nông, ngay khi Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách, chi nhánh đã giảm lãi, miễn phí và giữ nguyên nhóm nợ đối với doanh nghiệp, cũng như người dân.

“Chúng tôi thành lập các tổ rà soát, tổng hợp khách hàng bị ảnh hưởng. Sau khi rà soát, chúng tôi phân loại các nhóm như: khách hàng khó khăn tạm thời, khách hàng đang khó khăn, khách hàng chuẩn bị gặp khó khăn để ưu tiên xử lý”, ông Việt nhấn mạnh.

Từ đầu năm đến nay, BIDV Đắk Nông giảm lãi suất từ 0,2% - 0,7% cho khách hàng, với số tiền giảm lãi được giảm gần 1,2 tỷ đồng. Thời gian tới đây, chi nhánh tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp bằng việc hạ lãi suất từ 0,5% - 1% cho các khoản vay.

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank), từ ngày 15/7, đơn vị giảm lãi suất cho vay bình quân 1%/năm và cao nhất 2%/năm đối với các doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, HD Bank là ngân hàng đầu tiên dành ưu tiên quan tâm giảm lãi suất cho khách hàng thuộc địa bàn phong tỏa, giãn cách kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đơn vị tập trung hỗ trợ nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, y tế, các doanh nghiệp có nhiều lao động…

ADQuảng cáo

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến 31/7/2021, các ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ lãi suất, vốn vay cho hơn 30.000 khách hàng. Tổng nguồn vốn được hỗ trợ vay, hỗ trợ lãi suất là trên 7.600 tỷ đồng. Trong đó, có 859 khách hàng được cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, với dư nợ được cơ cấu 268 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi cho 29.182 khách hàng, với dư nợ 7.346 tỷ đồng.

Cần thiết thực hơn

Trong thời điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, sự vào cuộc của hệ thống ngân hàng cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, một số chính sách, chủ trương hỗ trợ từ phía ngân hàng nên chăng cần công khai hơn nữa.

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, khi biết thông tin hỗ trợ, một số đơn vị có hợp đồng tín dụng có liên hệ với ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng lại không áp dụng điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, giãn nợ với những hợp đồng vay cũ.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank) Chi nhánh Đắk Nông

Ông Đặng Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương Mại Bình Minh (Đắk Glong) chia sẻ: “Quan trọng là những hợp đồng đã ký kết. Còn trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp ngưng hoạt động, ngưng sản xuất nên nhu cầu vay cũng hạn chế”. Cũng theo ông Thiện, khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Những gói giảm lãi suất cho vay, thời hạn cho vay kéo dài là cần thiết nhất để doanh nghiệp có vốn duy trì.

Cùng chung quan điểm, theo ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Thành Phát (Đắk R’lấp), một số hợp đồng tín dụng cũ muốn ngân hàng thương mại điều chỉnh hạ lãi suất cho vay; điều chỉnh giãn nợ vay, thời gian trả nợ là rất khó. Bởi suy cho cùng, ngân hàng thương mại cũng là một đơn vị kinh doanh. Những hợp đồng đã ký kết rồi, bây giờ làm phụ lục điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. “Không khó để hiểu, chỉ có những hợp đồng tín dụng phát sinh mới có khả năng hạ lãi suất cho vay”, ông Thành bày tỏ.

Không thể phủ nhận, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, kiếm lợi nhuận trên từng đồng vốn. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, những chia sẻ thiết thực từ các tổ chức tín dụng với khó khăn doanh nghiệp là điều đang được chờ đợi nhiều nhất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp cần thêm chia sẻ từ các ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO