Doanh nghiệp Đắk Nông chưa chủ động hội nhập theo xu thế chung

Thanh Nga| 28/09/2017 11:05

Hội nhập nói chung, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là một vấn đề quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới đất nước. Vì thế, việc tiên phong trong vấn đề xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp được xem là “liều thuốc quan trọng” nhằm kịp thời nắm bắt, tận dụng tốt cơ hội cũng như chủ động ứng phó với những khó khăn, thử thách từ hội nhập mang lại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Đắk Nông hiện nay lại chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

ADQuảng cáo

Công nhân Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV theo dõi vận hành sản xuất qua hệ thống camera

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, một số kết quả điều tra chứng tỏ doanh nghiệp Đắk Nông ứng phó với hội nhập chậm hơn so với doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành khác, nhất là các tỉnh, thành lớn trong nước. Đơn cử, với câu hỏi “Doanh nghiệp đã chuẩn bị hội nhập quốc tế như thế nào?” thì chỉ có 10% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tham vấn trả lời là đã hành động; 45% trả lời là mới chỉ lập kế hoạch chứ chưa hành động; 44% chưa có kế hoạch gì để ứng phó trong hội nhập, còn 1% không có trả lời.

Mặc dù khảo sát mang tính tương đối để đưa ra những khuyến cáo, giải pháp trong chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, song qua đó cho thấy, doanh nghiệp Đắk Nông vẫn chưa thực sự chủ động để hội nhập theo xu thế. Điều này cũng dễ hiểu, bởi trong số hơn 3.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay thì có tới trên 90% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Nhóm doanh nghiệp này lại phần lớn hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến nông sản, sản xuất nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, với năng lực tài chính nhỏ, tư duy điều hành, lãnh đạo chưa cao.

Trong khi đó, tâm lý của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lại rất ngại đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh, vì cần nguồn vốn đầu tư lớn để trang bị máy móc sản xuất, chế biến hiện đại, chuyên sâu… Vì vậy, mặc dù kinh tế đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện, nhưng các doanh nghiệp xem ra vẫn “cố thủ” với phương án sản xuất, kinh doanh đơn thuần, máy móc lạc hậu.

ADQuảng cáo

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì nhóm doanh nghiệp có thời gian hoạt động lâu khả năng cảm nhận với hội nhập lại càng ít hơn. Khảo sát cho thấy, 100% doanh nghiệp thành lập giai đoạn trước năm 2000 cho biết chưa có kế hoạch ứng phó với hội nhập. Nhóm doanh nghiệp thành lập giai đoạn 2000 - 2010 thì có 13% cho biết đã có kế hoạch và hành động ứng phó; 39% có kế hoạch nhưng chưa có hành động ứng phó và 47% chưa có kế hoạch ứng phó. Nhóm doanh nghiệp thành lập từ năm 2010 đến nay được hỏi thì có 9% cho biết đã có kế hoạch, hành động ứng phó; 52% có kế hoạch rồi nhưng chưa hành động ứng phó và 39% chưa có kế hoạch ứng phó.

Tuy nhiên, quy luật cạnh tranh, phát triển trong thời kỳ hội nhập đã và đang chứng minh, nếu doanh nghiệp không chủ động hội nhập, ứng phó để nâng cao chất lượng hàng hóa, sức cạnh tranh, hạ giá thành sản xuất thì sẽ bị “đánh bật ra khỏi thị trường”, nhường chỗ cho những doanh nghiệp có khả năng, lợi thế cạnh tranh tốt. Điều này đã được minh chứng, bởi những năm gần đây, một số lĩnh vực như chăn nuôi, sản xuất hàng hóa tiêu dùng đang bị các doanh nghiệp ngoại lấn át ngay trên thị trường nội địa. Trong khi đó, những mặt hàng xuất khẩu của Đắk Nông vẫn chủ yếu là xuất thô, giá trị, lợi nhuận thấp.

Nếu các doanh nghiệp cứ “bình chân như vại”, chắc chắn đến thời điểm nào đó, các thị trường truyền thống sẽ bị những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh lớn, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài lấn át. Để rồi, các doanh nghiệp trong tỉnh cố gắng lắm cũng chỉ “chen chân” được vào những công đoạn gia công, sơ chế hoặc thu mua theo dạng trung gian…

Công nhân Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV kiểm tra khâu sục rửa bùn đỏ

Có thể thấy, hội nhập đang tạo ra “luồng gió mới” để đất nước từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh cho từng ngành, lĩnh vực. Vì thế, ngoài nỗ lực từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng cần chủ động hơn nữa để tận dụng tốt cơ hội, lường trước và ứng phó tốt với những thách thức từ hội nhập mang lại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp Đắk Nông chưa chủ động hội nhập theo xu thế chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO