Doanh nghiệp du lịch chuyển hướng tìm nguồn thu

Lê Phước| 12/08/2021 09:47

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hoạt động du lịch hầu như "đóng băng". Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp du lịch đã linh động, chuyển hướng, tìm kiếm nguồn thu khác để cầm cự, vượt qua giai đoạn khó khăn.

ADQuảng cáo

Mấy tháng nay, Khu Du lịch sinh thái Phước Sơn của Công ty TNHH MTV Sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch sinh thái Nguyên Thành Phát (Công ty Nguyên Thành Phát), xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) đã đóng cửa, chuyển sang hoạt động khác. Khu du lịch với lúc cao điểm gần 100 nhân công, nhưng hiện chỉ còn lại khoảng 10 người.

Khu du lịch sinh thái Phước Sơn tập trung nuôi cá trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát

Ông Ngô Đức Thảo, ở xã Đắk Wer, một trong số ít nhân viên được công ty giữ lại khi dịch Covid-19 bùng phát. Trước đây, ông Thảo phụ trách việc quản lý 1 khu vực vui chơi và chăm sóc vườn cây cảnh trong khu du lịch. Nhưng mấy tháng nay, ông phải làm rất nhiều việc khác, trong đó việc chính là... nuôi cá.

Hàng ngày, ông Thảo dùng xe máy chở thức ăn đến các ao cá trong khu du lịch, vệ sinh ao rồi cho cá ăn. “Việc chính là chăm sóc cá. Lúc nào rảnh thì cắt tỉa cây cảnh, bón phân, chở rác… Công ty đang gặp khó khăn, nên việc gì cũng làm cả”, ông Thảo chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Nguyên Thành Phát, du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid-19. Nếu như năm 2019, Khu du lịch sinh thái Phước Sơn đạt doanh thu trên 15 tỷ đồng thì đến năm 2020 chỉ thu được 2 tỷ đồng.

Đầu năm 2021, du lịch có dấu hiệu phục hồi, nhưng lại xuất hiện làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, nên khu du lịch gần như không có nguồn thu. Trong khi đó, các chi phí về nhân công, bảo vệ, lãi suất ngân hàng… vẫn phải trang trải.

ADQuảng cáo

Khó khăn bủa vây, Công ty Nguyên Thành Phát buộc phải thay đổi để thích ứng. Từ cuối năm 2020, công ty đã chuyển hướng, đầu tư nguồn lực vào việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Với diện tích mặt nước rộng (khoảng 5 ha), công ty đã tập trung nhân lực, vật lực để nuôi cá.

Những ao cá trong khu du lịch trước đây chủ yếu được thả một ít cá rô phi, cá chim, cá diêu hồng… để phục vụ du khách. Nhưng khoảng 1 năm nay, ông Thành đã đầu tư giống, nuôi thêm cá bông lau trắng.

Nguồn thu từ nuôi cá giúp Khu du lịch sinh thái Phước Sơn vượt qua khó khăn hiện nay

Theo ông Thành, loại cá này nhanh lớn, nuôi vài tháng có thể đạt trên 2 kg/con, bán ra thị trường 100.000 đồng/kg. Mỗi ngày, khu du lịch bán trung bình 2 tạ cá các loại, trừ đi chi phí sẽ lời khoảng trên 5 triệu đồng.
Ông Thành cho biết, đơn vị vừa tiếp tục thả 30.000 con cá hô giống. Đây là loài cá giá trị cao, được nhập ở các tỉnh phía Nam, với giá 40.000 đồng/con giống.

Loài cá này nuôi vài năm có thể đạt trọng lượng cả chục kg. Với giá bán hiện nay khoảng 200.000 đồng/kg, ông Thành kỳ vọng lứa cá hô này sẽ mang lại nguồn thu lớn cho khu du lịch. Ngoài ra, khu du lịch còn có vườn cây ăn trái với nhiều loại như: bơ, vú sữa, mận, bưởi…  mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Hiện nay, mỗi tháng khu du lịch thu được vài trăm triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản. Đơn vị còn thu 200 triệu đồng từ việc bán điện năng lượng mặt trời. Theo ông Thành, tổng doanh thu của đơn vị đạt khoảng 40 - 50% so với trước, đủ để trang trải tiền lương nhân công, lãi ngân hàng và các chi phí khác.

“Mặc dù đã chuyển hướng, thích nghi, nhưng những doanh nghiệp du lịch như chúng tôi vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi rất mong được hỗ trợ lãi suất của ngân hàng và tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ khác. Đây là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp tồn tại, từng bước vượt qua khó khăn do dịch Covid-19”, ông Thành chia sẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp du lịch chuyển hướng tìm nguồn thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO