Doanh nghiệp lao đao theo giá nông sản

Nguyễn Lương| 17/09/2019 09:40

Từ năm 2018, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông sản lâm vào cảnh khó khăn, phá sản. Nguyên nhân là do giá các mặt hàng nông sản liên tục sụt giảm và dịch bệnh hoành hành trên một số cây trồng, nhất là tiêu...

ADQuảng cáo

Kinh doanh như... chạy bữa

Thời điểm cuối 2017 trở về trước, nhà kho rộng hơn 900m2 của Công ty TNHH MTV Minh Ước, xã Nam Bình (Đắk Song) luôn chất đầy hàng nông sản. Vậy nhưng, từ giữa 2018 đến nay, kho hàng của Công ty luôn trong tình trạng đóng cửa im lìm. Thời điểm tấp nập nhất, lượng hàng hóa cũng chỉ bằng 1/3 so với trước đây.

Tiếp chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Cúc, chủ doanh nghiệp buồn bã: “Giá nông sản xuống thấp, cùng với nhiều diện tích hồ tiêu của người dân chết hàng loạt, khiến hoạt động của doanh nghiệp cũng “sống dở, chết dở”. Doanh nghiệp kinh doanh nông sản "sống" được là nhờ vào nông dân. Hàng năm, nguồn vốn quay vòng của doanh nghiệp hầu hết đầu tư cho người dân. Đến cuối vụ thu hoạch, người dân trả lại bằng lượng hàng nông sản. Hai năm nay, giá nông sản xuống thấp, hồ tiêu bị chết, người dân lâm vào khó khăn, không trả được nợ. Doanh nghiệp cũng vì thế mà kiệt quệ theo...”.

Giá nông sản xuống thấp cùng với nhiều diện tích hồ tiêu bị chết hàng loạt khiến cho Công ty TNHH MTV Minh Ước (Đắk Song) gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu mua đầu vào

Qua tìm hiểu được biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty THHH MTV Minh Ước là một trong số ít đơn vị vẫn duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Thời gian qua, trên địa bàn huyện Đắk Song, có nhiều doanh nghiệp đã ngưng hoạt động vì không thể quay vòng vốn để duy trì hoạt động.

Theo Chi cục thuế Đắk Song, địa phương có 245 doanh nghiệp hoạt động, trong đó, có 60% đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông sản. Từ đầu năm đến nay, địa bàn có trên 10 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì làm ăn thua lỗ. Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp đang làm ăn trầy trật vì giá cả nông sản xuống thấp.

“6 tháng đầu năm 2018, số thu thuế, phí, lệ phí từ khối doanh nghiệp hơn 22 tỷ đồng. Nhưng cùng kỳ ấy, năm 2019 này, Đắk Song chỉ thu xấp xỉ 14 tỷ đồng. Điều này minh chứng cho việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh rơi vào tình cảnh khó khăn”, ông Nguyễn Ngọc Bính, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đắk Song cho biết.

Không chỉ ở Đắk Song, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản gặp khó khăn, ngưng hoạt động ở các địa phương khác cũng rất phổ biến. Tại huyện Cư Jút, hiện có 150 doanh nghiệp, trong đó, trên 55% hoạt động trong lĩnh vực nông sản. Trong những tháng đầu năm, địa phương đã có 6 doanh nghiệp giải thể vì không có đủ nguồn hàng hoạt động. Những doanh nghiệp kinh doanh nông sản còn lại cũng phải hoạt động cầm chừng vì gặp nhiều khó khăn. Còn tại Đắk Mil, số doanh nghiêp hoạt động trong lĩnh vực nông sản cũng đã giải thể  là10 đơn vị...

ADQuảng cáo

Công ty TNHH MTV Hồng Ngọc (Cư Jút) là một minh chứng cho sự tác động của giá cả nông sản hiện nay. Theo đại diện của doanh nghiệp này, từ 2017 trở về trước, mỗi năm, đơn vị xuất ra thị trường trên 10.000 tấn nông sản. Năm 2018, số nông sản xuất bán tại đơn vị chỉ được 4.000 tấn và năm 2019 con số đó giảm còn 2.000 tấn. Doanh số hàng hóa xuất bán giảm, kéo theo doanh thu cũng giảm dần.

“Do không thu hồi được công nợ từ người dân, để duy trì hoạt động, chúng tôi phải cầm cố hết tài sản hiện có của gia đình. Nhiều thời điểm, để đáp ứng vốn quay vòng, chúng tôi phải nợ luôn cả đối tác và các đại lý cấp I”, ông Nguyễn Tiến Ngọc, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Hồng Ngọc chia sẻ.

Cũng nằm trong tình cảnh hoạt động cầm chừng trong mấy tháng nay, anh Trần Văn Hoàng, Chủ doanh nghiệp Kinh doanh nông sản Hoàng Bích, xã Đắk D’rô (Krông Nô) cho biết: “Chi phí sản xuất, tiền nhân công ngày càng tăng lên, trong khi doanh nghiệp không thu hồi được công nợ từ phía nông dân, khiến việc xoay vòng vốn để đáp ứng nguồn hàng, trả các chi phí khác khó như… lên trời. Hiện tại, để duy trì sản xuất, doanh nghiệp chúng tôi cứ phải xoay chỗ này, đập chỗ kia. Kinh doanh mà như chạy bữa thế này thì rất khó để doanh nghiệp có thể hoạch định ra các mục tiêu dài hạn”.

"Tự bơi" là chính...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có gần 350 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn lên 4.780 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể trong những tháng đầu năm cũng không ít, với hơn 100 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Trong số này, có trên 60% là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh nông sản.

Trước tình trạng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông sản đang gặp khó, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngoài nỗ lực của mỗi đơn vị, sự “tiếp sức” của địa phương, các sở, ngành đóng vai trò quan trọng. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ Công ty TNHH MTV Minh Ước (Đắk Song) cho rằng: “Trong giai đoạn này, Nhà nước chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hình thức vay vốn ưu đãi. Khi được hỗ trợ về vốn, doanh nghiệp yên tâm và mạnh dạn hơn trong việc hoạch định các chiến lược đầu tư mang tính chất dài hơi”.

Cùng chung quan điểm, Nông Quốc Doanh, Chủ Doanh nghiệp tư nhân chế biến Phương Trang (Cư Jút) chia sẻ: “Lâu nay, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông sản nói chung vẫn “tự bơi” là chính. Hoạt động suôn sẻ, thuận lợi không nói làm gì, hễ gặp khó khăn là phải “tự cứu lấy mình” mà rất ít khi được hỗ trợ. Nên chăng, chính quyền các cấp cần đi sâu, đi sát, quan tâm nhiều hơn đến hoạt động của doanh nghiệp. Quan tâm ở đây trước mắt đó chính là có cơ chế ưu đãi, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Cùng với sự "tiếp sức" của chính quyền địa phương, thì điều quan trọng nhất, mỗi doanh nghiệp hoạt động vẫn phải chủ động phương án kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn. Các doanh nghiệp cần mạnh dạn, linh hoạt trong liên doanh, liên kết, nhằm nâng cao năng lực quản trị. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể chủ động trong vượt qua khó khăn, từng bước hoạt động ổn định và có hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp lao đao theo giá nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO