Doanh nghiệp mong sớm tiếp cận được vốn hỗ trợ sản xuất

Lê Phước| 19/08/2021 08:42

Chi phí sản xuất tăng cao trong giai đoạn dịch bệnh, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Các doanh nghiệp mong được hỗ trợ vốn vay để tồn tại, phục hồi sản xuất.

ADQuảng cáo

Công ty TNHH Hồng Đức, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu điều hàng đầu của tỉnh. Mỗi năm, doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 5.000 tấn hạt điều đi Trung Quốc và các nước châu Âu.

Công ty TNHH Hồng Đức giảm số lao động làm việc đã ảnh hưởng tới công suất

Trong 3 đợt dịch trước, việc xuất khẩu của doanh nghiệp gặp một số khó khăn, nhưng sản lượng vẫn bảo đảm. Nhưng khi đợt dịch thứ 4 bùng phát trên quy mô rộng, chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa, xuất khẩu đều tăng, khiến công ty gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức, khi Đắk Nông xuất hiện các ca mắc Covid-19, doanh nghiệp đã giảm số lao động tại nhà máy. Công suất sản xuất hạt điều giảm 30 - 50% so với bình thường.

Doanh nghiệp còn phải đầu tư thêm các chi phí nhà ở, trang thiết bị, tiền ăn… khi thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Các đơn hàng vẫn bảo đảm, nhưng việc xuất khẩu của công ty gần đây bắt đầu gặp nhiều trở ngại và tốn kém hơn.

Theo bà Nguyệt, việc vận chuyển hàng hóa xuống TP. Hồ Chí Minh bị chậm lại và chi phí bắt đầu tăng. Việc xuất khẩu hàng từ cảng đi nước bạn cũng bị kéo giãn thời gian gấp 5 - 10 lần so với bình thường.

Chi phí Logistics (chuỗi cung ứng) tất cả các khâu xuất khẩu đều tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tài chính của Công ty TNHH Hồng Đức. “Công suất chế biến giảm, chi phí tăng, thanh toán chậm… đã ảnh hưởng khá nhiều tới nguồn lực của doanh nghiệp. Chúng tôi rất mong được Nhà nước quan tâm, cho tiếp cận các gói vay ưu đãi từ phía ngân hàng”, bà Nguyệt chia sẻ.

ADQuảng cáo

Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, du lịch đang là ngành gặp khó khăn nhất.

Các chi phí logictics tăng đã khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Khu Du lịch sinh thái Phước Sơn (Đắk R’lấp), chia sẻ: Du lịch không có khách, nhưng chi phí về nhân công, lãi suất… vẫn phải trang trải. Chúng tôi rất mong được vay thêm kinh phí với lãi suất ưu đãi để tồn tại qua thời điểm này.

Dịch bệnh cũng tác động mạnh tới ngành vận tải hành khách. Tại Công ty taxi Mai Linh, Chi nhánh Đắk Nông, việc giảm số lượng đầu xe trong tổng số 150 đầu xe và giảm số lượng hành khách trong xe đã khiến doanh thu giảm mạnh. Từ đầu năm 2021 tới nay, doanh thu của đơn vị giảm 40 - 60%.

Theo ông Lê Văn Việt, Quyền Giám đốc Công ty taxi Mai Linh, Chi nhánh Đắk Nông, doanh thu sụt giảm nhưng các chi phí về tiền thuê nhà, tiền thuế, bảo hiểm cho người lao động, phí kiểm định… vẫn phải trả. Hiện công ty đang nợ lương các lao động trong văn phòng từ tháng 7 tới nay.

Ông Việt cho hay: Chúng tôi hiện đã lập hồ sơ để vay Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Đắk Nông để trả lương cho người lao động. Chúng tôi rất mong được tiếp cận nguồn vốn này sớm để duy trì hoạt động, từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm tới cuối tháng 7/2021, tỉnh có 38 doanh nghiệp giải thể và 109 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Có nhiều nguyên nhân khiến số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể như: thị trường tiêu thụ giảm, thiếu hụt nguyên liệu, thiếu nguồn vốn…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp mong sớm tiếp cận được vốn hỗ trợ sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO