Doanh nghiệp sản xuất cà phê trẻ gặt hái thành công nhờ hướng đi mới

Lê Phước| 20/05/2019 09:13

Lựa chọn hướng sản xuất, chế biến cà phê theo phương pháp hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, sản phẩm cà phê của Công ty CP Godere, ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) đã được nhiều cơ quan Nhà nước trao giấy chứng nhận, giải thưởng và từng bước tìm được chỗ đứng trên thị trường.

ADQuảng cáo

Cà phê của Công ty CP Godere sau khi thu hái, được phân loại và phơi trên giàn của nhà kính

Nằm trên trục đường Quang Trung, thị xã Gia Nghĩa, quán cà phê Godere có lượng khách khá ổn định ban ngày lẫn đêm. Nhiều vị khách thường xuyên ghé quán cho biết họ đã bị “ghiền” hương vị cà phê đậm đà, đặc biệt tại đây. Không chỉ đến thưởng thức hàng ngày, họ còn lựa chọn sản phẩm cà phê này để làm quà biếu, tặng người thân, bạn bè ở các tỉnh, thành phố mỗi dịp ghé qua Đắk Nông.

Tại quán cà phê Godere, không khó để thấy một góc nhỏ trưng đầy kỷ niệm chương, giấy chứng nhận, bằng khen. Năm 2018, cà phê bột của công ty là 1/11 sản phẩm được UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

Sản phẩm này cũng vinh dự là 1/85 sản phẩm được VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) vinh danh là “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018”. Vào tháng 3/2019, trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2019, sản phẩm cà phê bột của công ty được các chuyên gia đánh giá rất cao về chất lượng (đạt 84,42/100 điểm). Đây là sản phẩm duy nhất của Đắk Nông được Ban Tổ chức công nhận là 1/25 mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản và 1/7 mẫu cà phê đạt chất lượng cao nhất được UBND tỉnh Đắk Lắk tặng cúp vàng.

Quy trình rang xay cà phê bằng máy móc hiện đại và được kiểm soát chặt chẽ

Với nhiều giải thưởng, chứng nhận, bằng khen… ai cũng nghĩ rằng đây là một doanh nghiệp có thâm niên trong ngành cà phê. Tuy nhiên, điều bất ngờ là Công ty CP Godere lại là một doanh nghiệp khá trẻ, mới lựa chọn cà phê làm mặt hàng sản xuất chủ lực ít năm nay. Cú “bứt tốc” này không phải tự nhiên có được mà là kết quả của sự kiên trì theo đuổi đam mê cùng hướng đi đúng trong xu hướng nâng cao chất lượng cà phê chế biến.

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Godere Nguyễn Đình Định, từ nhỏ anh đã có đam mê sẽ trở thành một doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê. Nhưng khi lớn lên và học đại học, anh ra trường và theo nghề xây dựng ở TP. Hồ Chí Minh. Nhiều năm làm nghề này, anh vẫn ấp ủ dự định sẽ phát triển cà phê nên đầu tư mua đất, thuê người trồng cà phê ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Năm 2016, trong một chuyến du lịch sang châu Âu, anh Định được tiếp xúc, giới thiệu về sản phẩm cà phê đặc sản. “Ngay khi tìm hiểu về quy trình sản xuất cà phê hữu cơ và tạo ra sản phẩm cà phê đặc sản, ngọn lửa đam mê theo đuổi ngành cà phê của tôi đã cháy lên mạnh mẽ. Godere trong tiếng Ý có nghĩa là “thưởng thức” hoặc “thượng đế” và chúng tôi sử dụng thương hiệu này để luôn nhắc mình phải sản xuất ra những ly cà phê thơm ngon để người uống thực sự có được cảm giác như vậy”, anh Định chia sẻ.

ADQuảng cáo

Nói là làm, anh Định bỏ ngang nghề xây dựng, về Gia Nghĩa chuyên tâm làm cà phê. Đầu tiên, anh tiến hành cải tạo vườn cà phê, đầu tư hệ thống nước tưới và chăm sóc theo quy trình hữu cơ. Sau khi thành lập Công ty CP Godere, anh xây dựng nhà kho, sân phơi, nhà kính và làm các thủ tục nhận diện thương hiệu, cấp giấy chứng nhận…

Anh tham gia các lớp chế biến chuyên sâu về cà phê đặc sản và lớp rang cà phê do thầy Manuel Diaz - giáo sư tiến sĩ đầu ngành về cà phê Robusta (người Mexico) giảng dạy. Sau khi có đầy đủ các thủ tục có liên quan, công ty bắt đầu xây dựng quán cà phê Godere (diện tích 380 m2) và bắt tay vào chế biến sản phẩm ngay từ niên vụ 2017. Cuối năm 2017, quán cà phê Godere đã trở thành nơi vừa bán, vừa giới thiệu sản phẩm của công ty.

Sản phẩm cà phê Robusta của Công ty CP Godere là một trong những sản phẩm đạt điểm cao nhất trong Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2019

Theo anh Định, ngay từ đầu, doanh nghiệp đã xác định nhiệm vụ của mình là tạo ra sản phẩm chất lượng và để cho người tiêu dùng tiếp cận quy trình sản xuất bảo đảm để tạo ra sản phẩm ấy. Do đó, vượt qua nhiều khó khăn, công ty đã nỗ lực truyền tải thông điệp, thuyết phục đối tác tìm hiểu quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đã đến tham quan, tìm hiểu chi tiết và dần đón nhận sản phẩm. Sau khoảng 2 năm phát triển, sản phẩm cà phê của công ty không chỉ bắt đầu có thương hiệu trong tỉnh mà hiện đã đi vào các quán cà phê lớn, một số sân bay, hệ thống resort lớn trong nước. Trong năm 2017 và 2018, công ty cũng xuất khẩu được gần 60 tấn cà phê sang thị trường châu Âu.

Sản phẩm cà phê của Công ty CP Godere được nhận nhiều giấy chứng nhận, bằng khen, giải thưởng

Hiện tại, Công ty CP Godere có 60 ha cà phê từ 10 - 15 năm tuổi ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Công ty còn liên kết với người dân xã này để sản xuất 140 ha cà phê theo phương pháp hữu cơ. Theo anh Định, trong 200 ha này, công ty và người dân đã được cơ quan chuyên môn cấp giấy chứng nhận VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) trên diện tích 100 ha và đang làm thủ tục cấp chứng nhận đối với diện tích còn lại.

Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích liên kết với người dân để xây dựng vùng nguyên liệu. Song song với đó, Godere cũng hoàn thiện các thủ tục có liên quan để cơ quan có thẩm quyền sớm công nhận quy trình sản xuất cà phê của công ty đạt Quy trình sản xuất thực phẩm hữu cơ (Organic).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp sản xuất cà phê trẻ gặt hái thành công nhờ hướng đi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO