Doanh nghiệp vẫn cần thêm "trợ lực" để phục hồi

Nguyễn Lương| 16/11/2020 08:56

Thời gian gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và đang rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

ADQuảng cáo

Vẫn chưa hết khó khăn

Thương mại dịch vụ là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19, cũng như giá cả nhiều mặt hàng nông sản giảm sâu. Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này, những tháng đầu năm, Công ty TNHH MTV Xây dựng Dịch vụ T&B (Cư Jút) gặp khá nhiều khó khăn.

Tìm đầu ra cho sản phẩm là "bài toán khó" hiện nay của Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng Anh Nhật

Ông Hoàng Ngọc Hoè, Giám đốc Công ty này chia sẻ: “Chưa có năm nào mà dịch bệnh, thiên tai xảy ra liên tiếp như năm nay. Thị trường tiêu thụ khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của doanh nghiệp. Đến hết tháng 10, doanh thu tại đơn vị mới đạt gần 70% kế hoạch năm, giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2019”.

Được biết, doanh thu mà Công ty đạt được chủ yếu là do đơn vị đẩy mạnh phát triển trong vài tháng trở lại đây. Còn từ tháng 6/2020 trở về đầu năm, hầu như doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng. Công ty đã, đang tìm kiếm thị trường, khách hàng mới, với hi vọng tăng tốc, đạt con số chỉ tiêu vào cuối năm.

Cũng nằm trong tình cảnh hàng sản xuất ra nhưng khó tiêu thụ, Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng Anh Nhật (Đắk Mil), gặp khá nhiều khó khăn. Để tìm đầu ra, ngoài những doanh nghiệp nhỏ và vừa, đơn vị còn “gõ cửa” nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ tại các địa bàn.

Theo ông Võ Đình Thanh Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng Anh Nhật cho biết, mấy năm trước, thị trường tiêu thụ các mặt hàng vật liệu xây dựng khá ổn định. Khoảng 2 năm trở lại đây, giá cả nông sản xuống thấp, đời sống người dân khó khăn, nên nhu cầu về mặt hàng này trong xây dựng giảm xuống. Chưa kể, đầu năm đến nay, dịch Covid-19, rồi đến thiên tai càng làm cho sức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường giảm sâu.

Ông Thảo chia sẻ: "Như đơn vị chúng tôi, trong 10 tháng qua, số lượng bán ra chỉ bằng một nửa so với 2019. Con số này đồng nghĩa với việc kế hoạch, chỉ tiêu đề ra trong năm 2020 không thể hoàn thành”.

ADQuảng cáo

Chờ đợi thêm nhiều chính sách

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng vẫn chưa thể hoàn toàn phục hồi trong sản xuất, kinh doanh. Theo ý kiến nhiều doanh nghiệp, họ cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ nữa để sớm ổn định sản xuất.

Ông Phạm Nguyễn Huy, chủ Doanh nghiệp kinh doanh phân bón Nam Thuận (Đắk Mil) cho rằng, trong thời điểm này, doanh nghiệp cần nhiều hơn nữa chính sách từ nhiều phía. Đơn cử như cần được gia hạn thuế, được vay vốn, giãn nợ... "Doanh nghiệp có vốn xoay vòng, giải quyết khó khăn trước mắt, mới có thể hoạt động ổn định lâu dài", ông Huy cho biết.

Cùng chung quan điểm, ông Võ Đình Thanh Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng Anh Nhật cho rằng, vay vốn ngân hàng được nhiều hay không phụ thuộc vào tài sản thế chấp.

Nhiều doanh nghiệp đang cần nguồn vốn rất lớn để giải quyết hàng tồn kho. Trong khi, về phía ngân hàng đáp ứng không được nhiều. Nếu điều này có thể thay đổi theo xu hướng thuận lợi sẽ tạo “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp sớm giải quyết nhu cầu đầu ra sản phẩm, sớm ổn định sản xuất.

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, trong 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh có 724 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 12% so với cùng kỳ 2019. Tổng vốn các doanh nghiệp đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng 160% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng qua, toàn tỉnh có 135 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 0,6% so với cùng kỳ.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, cũng như thu hút các dự án đầu tư, UBND tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng tổ chức hội thảo đánh giá và đề ra các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông năm 2020.

Đắk Nông cũng tiến hành các trình tự, thủ tục để xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) trên địa bàn…

Về phía các đơn vị như Cục Thuế, các ngân hàng cũng đã có nhiều chính sách thiết thực và kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thế nhưng, theo các doanh nghiệp, họ vẫn cần sự hỗ trợ nhiều hơn để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp vẫn cần thêm "trợ lực" để phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO