Doanh nghiệp Ðắk Mil đang "khát" mặt bằng

Lê Dung| 22/07/2022 09:07

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đắk Mil đang có nhu cầu được thuê đất trong các cụm công nghiệp trên địa bàn để đầu tư lại nhà xưởng, phát triển sản xuất. Địa phương đang đề xuất các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kịp thời bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp yên tâm sản xuất lâu dài.

ADQuảng cáo

Xây dựng nhà xưởng trên đất ở

Được thành lập từ năm 2018, Công ty TNHH MTV cà phê Hương Quê Đắk Nông, xã Thuận An (Đắk Mil), hiện đang sản xuất 2 sản phẩm chính: ca cao và cà phê. Trong đó, sản phẩm ca cao đã đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao vào năm 2021.

Sản phẩm ca cao của Công ty TNHH MTV cà phê Hương Quê Đắk Nông đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao vào năm 2021

Để phục vụ sản xuất, Công ty đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng mua sắm các loại máy móc, thiết bị tiên tiến như máy rang, máy tách vỏ, máy nghiền hạt ca cao, máy ép bơ…

Dây chuyền sản xuất sản phẩm ca cao rất nhiều, phức tạp, nhưng diện tích tại nhà xưởng lại quá nhỏ, chỉ vỏn vẹn khoảng 30 m2. Các công đoạn về sản xuất, đóng gói đang nằm chung trong một khu vực, không được thuận tiện.

Đồ họa: V.D - L.D

Theo ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty, vị trí đặt nhà xưởng hiện tại đang được thuê lại của 1 người dân. Không chỉ chật chội, mặt bằng này còn gần khu dân cư, nên không bảo đảm cho việc sản xuất, nhất là về vấn đề môi trường.

Công ty mong muốn được tạo điều kiện thuê đất trong Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) Thuận An (Đắk Mil) để làm nhà xưởng, yên tâm đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.

Định hướng xuất khẩu đòi hỏi Công ty TNHH Hoàng Phát (Đắk Mil) phải có quỹ đất rộng để mở rộng nhà, xưởng, đầu tư thêm máy móc có công suất lớn

Tương tự, Công ty TNHH Hoàng Phát, xã Đức Minh (Đắk Mil), đã 17 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến cà phê. Máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất rất lớn, nhưng Công ty cũng đang phải tận dụng đất ở của gia đình để làm nhà xưởng.

Dù nhà xưởng được Công ty xây dựng theo tiêu chuẩn HACCP ISO 22000, nhưng lại nằm trong khu dân cư, nên rất bất tiện về nhiều mặt.

Sản phẩm cà phê bột của Công ty TNHH Hoàng Phát hiện đang được phát triển rộng khắp các thị trường trong nước

Sản phẩm của Công ty hiện đang có mặt ở nhiều thị trường khác nhau. Mỗi năm, Công ty cung ứng ra thị trường từ 30-50 tấn cà phê bột các loại. Về lâu dài, Công ty có định hướng xuất khẩu sản phẩm đi các nước.

Vì vậy, Công ty đang rất cần một quỹ đất rộng rãi, tập trung trong Cụm CN-TTCN Thuận An để mở rộng quy mô cho nhà xưởng, đầu tư thêm các máy móc có công suất lớn.

ADQuảng cáo

Đồ họa: V.D-L.D

Gỡ khó về vốn đầu tư

Cụm CN-TTCN Thuận An được thành lập từ năm 2009, quy hoạch chi tiết 52,22 ha, tổng mức đầu tư 82,65 tỷ đồng. Đến nay, UBND huyện Đắk Mil mới giải phóng mặt bằng giai đoạn I là 24,9 ha, với tổng kinh phí 32,181 tỷ đồng.

Giai doạn I, huyện đã đầu tư được một phần hạ tầng, chủ yếu là đường cấp phối đá dăm, nhà điều hành. Tại Cụm CN-TTCN Thuận An hiện chưa có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kèm theo như: hệ thống xử lý nước mưa, nước thải; vỉa hè; cây xanh...

Trong tổng số diện tích thuộc giai đoạn I, mới chỉ có khoảng hơn 17/24,9 ha đất công nghiệp cho thuê được, còn lại là diện tích cây xanh, vỉa hè, đường giao thông...

Theo ông Trần Hữu Hạnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cụm CN-TTCN Thuận An, nhu cầu mặt bằng hiện tại là rất lớn. Trong quá trình xúc tiến đầu tư, rất nhiều doanh nghiệp muốn vào hoạt động tại Cụm CN, nhưng diện tích đầu tư giai đoạn I đã lấp đầy, nên không thể thu hút thêm.

Diện tích còn lại phục vụ cho giai đoạn II của Cụm CN-TTCN vào khoảng 26-27 ha. Diện tích này hiện 1 phần người dân đang sử dụng, 1 phần là đất của Công ty Cà phê Đức Lập và chưa có quyết định thu hồi.

"Dự kiến phải đầu tư với tổng nguồn vốn vào khoảng 250 tỷ mới hoàn thiện được toàn bộ hạ tầng, tạo điều kiện cho công tác thu hút đầu tư cũng như xử lý môi trường", ông Hạnh cho biết.

Đồ họa: V.D-L.D

Theo ông Nguyễn Ngọc Luỹ, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, giai đoạn I của Cụm CN-TTCN Thuận An triển khai tương đối lâu, đến nay cũng chưa thanh quyết toán được. Trong khi đó, hạ tầng tại đây đầu tư không đồng bộ, nên phần lớn đã xuống cấp.

Chi phí theo tổng mức đầu tư của năm 2009 tại Cụm CN-TTCN Thuận An là hơn 82 tỷ đồng. Phần còn lại đến nay đã trượt giá, lên khá cao. Cho nên để triển khai đầu tư cho giai đoạn tiếp theo, nguồn kinh phí bố trí phải rất lớn.

Trong kế hoạch trung hạn, giai đoạn 2021-2025, UBND huyện dự kiến từ nguồn thu quỹ sử dụng đất, các nguồn vốn khác sẽ bố trí cho việc đầu tư tại Cụm CN.

"Kẹt ở chỗ là giai đoạn I cũng chưa quyết toán được, cho nên việc triển khai cho giai đoạn II của dự án sẽ còn nhiều vướng mắc", ông Lũy cho biết.

Hiện tại, Cụm CN-TTCN Thuận An đã có 17 nhà đầu tư đăng ký triển khai dự án (tỷ lệ lấp đầy đạt 93,7%), với tổng vốn đăng ký đầu tư là 291,86 tỷ đồng. Các doanh nghiệp hoạt động tại đây đang giải quyết việc làm cho khoảng gần 250 lao động là người địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp Ðắk Mil đang "khát" mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO