Doanh nghiệp Ðắk Nông "đói" công nghệ

Lê Dung| 28/11/2022 09:38

Đắk Nông với vùng nguyên liệu sản xuất rộng lớn, phù hợp cho phát triển các loại cây trồng. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh đó, các doanh nghiệp đang mong muốn được hợp tác đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến, tạo đầu ra cho nông sản.

ADQuảng cáo

Nhu cầu lớn về công nghệ

HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh (Krông Nô) hiện đang liên kết 115 hộ dân sản xuất trên 178,16 ha lúa. Trong đó, diện tích lúa được chứng nhận VietGAP là trên 100 ha.

Sản lượng lúa hàng năm của HTX ước đạt trên 2.500 tấn. Nhà máy chế biến lúa gạo của HTX có công suất đạt khoảng 700 tấn/năm.

Đại diện HTX cho biết, để nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu gạo Buôn Choáh, HTX hy vọng sẽ nhận được hỗ trợ đầu tư nâng cấp công nghệ thu hoạch, bảo quản lúa sau thu hoạch.

Còn Công ty Cổ phần Godere (Gia Nghĩa), hiện là chủ sở hữu của thương hiệu GODERE COFFEE ROASTER. Công ty đang có vùng trồng cà phê gần 30 ha đạt chứng nhận hữu cơ chuẩn của Mỹ và châu Âu.

Sản lượng cà phê nhân xô hàng năm của Công ty ước đạt khoảng 70 tấn. Công suất chế biến nhà máy của Công ty đạt 500 tấn/năm. Công ty đang kỳ vọng sẽ xuất khẩu cà phê sau chế biến sang các thị trường quốc tế.

Công ty Cổ phần Godere (Gia Nghĩa) hiện có 30 ha cà phê trồng theo tiêu chuẩn quốc tế của Mỹ và châu Âu

Theo bà Trần Thị Thủy Tiên, Giám đốc Công ty Godere, dù có vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ, nhưng khi giao thương với các đối tác nước ngoài, Công ty vẫn chưa đáp ứng được các điều kiện cần thiết về sản phẩm, sản lượng.

Công ty mong muốn hợp tác xây dựng được quy trình sản xuất, chế biến cà phê hữu cơ quốc tế. Trong đó, Công ty muốn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, phân phối sản phẩm.

Cùng hợp tác đầu tư

ADQuảng cáo

Vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương tại Đắk Nông. Tại Hội nghị, các doanh nghiệp TP. Thủ Đức kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Đắk Nông nâng cao về công nghệ, áp dụng chuyển đổi số vào trong quy trình sản xuất, chế biến nông sản.

Theo ông Trần Quốc Tâm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP. Thủ Đức, Đắk Nông rất giàu nông sản chất lượng. Tuy nhiên, sản phẩm của tỉnh vẫn bán thô là chủ yếu, nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao.

Vì vậy, Hội Doanh nghiệp Thủ Đức có thể hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Đắk Nông trong thời gian tới. Từ đó, giúp giảm lao động thủ công, tiết kiệm chi phí, tăng công suất chế biến cho doanh nghiệp Đắk Nông.

HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh (Krông Nô) đang có trên 100ha lúa được chứng nhận VietGAP

Ông Lý Ngọc Uyn, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước (Bình Phước) chia sẻ, hiện nay tất cả các thành viên HTX đã ứng dụng số hóa các thông tin trên phần mềm.

Các thành viên đều mở “Nhật ký điện tử” cho từng vườn cây, cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói. HTX đang thực hiện số hóa từng cây bơ và sầu riêng. Mỗi cây sẽ có 1 trang nhật ký điện tử hoặc trang web riêng, có mã QR riêng.

HTX mong muốn sẽ được hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân Đắk Nông trong việc ứng dụng công nghệ số vào trong quá trình sản xuất, chế biến các loại nông sản.

HTX sẽ phổ cập sử dụng nhật ký điện tử đối với nông dân, giúp Đắk Nông hệ thống hóa số liệu, chủ động kết nối cung - cầu. Từ đó, xây dựng chuỗi kết nối giữa các nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian.

Theo ông Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với hộ nông dân sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị.

Đơn vị sẽ đẩy mạnh việc hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong trồng trọt, thu hoạch, chế biến nhằm đa dạng sản phẩm, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô như hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp Ðắk Nông "đói" công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO