Đồng hành cùng doanh nghiệp: Nói ít, làm nhiều

Lương Nguyên| 31/08/2018 16:57

Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần thứ II năm 2018 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự quan ngại về cách thức, thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi quy trình, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

ADQuảng cáo

Đây thực sự đang là "nút thắt" cốt lõi cần được tháo gỡ để vận hành bộ máy hành chính một cách thông suốt, hiệu quả, tạo dựng hình ảnh về một chính quyền thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.
Phát biểu tại buổi đối thoại doanh nghiệp lần II năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Xuân Hải mong muốn: “Bài toán đặt ra ở đây là làm sao vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách để giải quyết được khó khăn dứt điểm cho doanh nghiệp theo hướng hợp tình, hợp lý nhưng không sai pháp luật”.

Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp tại các buổi đối thoại vẫn chưa được các sở, ngành giải quyết đến kết quả cuối cùng

Chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp

Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần 2 vừa được tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cho rằng, thời gian qua, việc giải quyết các thủ tục hành chính đã có chuyển biến, nhưng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”.

Theo kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, các sở, ngành khi giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn chậm trễ, không đúng thời gian quy định, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Một số kiến nghị của doanh nghiệp được các cơ quan quản lý nhà nước trả lời còn chung chung, chưa trọng tâm vào các vấn đề doanh nghiệp hỏi, mà chỉ mới dừng lại ở việc trích dẫn các văn bản vi phạm pháp luật, định hướng và cam kết sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Nguyên Thành Phát (Đắk R’lấp) phân trần: Có mỗi một vướng mắc liên quan đến thẩm định vốn đầu tư mà chúng tôi phải mất hơn 3 tháng mới được giải quyết. Khi làm việc với nhân viên của đơn vị liên quan, họ cứ cứng nhắc lôi văn bản này ra bảo chưa đúng, quy định kia bảo chưa hợp lệ. Cái mà doanh nghiệp chúng tôi hiện nay cần nhất là ưu tiên giải quyết nhanh khó khăn, vướng mắc. Còn hễ động đến là lôi văn bản của Chính phủ, các thành phố lớn mà áp dụng vào Đắk Nông thì doanh nghiệp ở đây “chết” hết”.

Cũng đồng quan điểm, ông Trần Văn Thuân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Các sở, ngành, đơn vị liên quan mới xử lý công việc theo hướng hợp pháp, còn tính hợp lý và hợp lệ thì chưa có”. Ông Thuân lý giải: Về quy định của pháp luật, chúng ta phải tuân thủ là chuyện đương nhiên. Tâm tư của doanh nghiệp thì luôn muốn được chia sẻ và giải quyết dứt điểm khó khăn đang gặp phải. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu trong khi giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp mà cứ trả lời còn vướng cái này, khó chỗ kia thì e rằng doanh nghiệp muốn đầu tư vào Đắk Nông không sớm thì muộn cũng sẽ nản chí.

ADQuảng cáo

Theo ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì dựa vào thực tế có thể khẳng định rằng kết quả giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp từ cơ quan có thẩm quyền chưa đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp. Nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém mà doanh nghiệp phản ánh là do việc quy hoạch ngành và quy hoạch lĩnh vực chồng chéo, chưa có sự gắn kết, đồng bộ. Việc tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn, trong khi nguồn lực bố trí cho thực thi các chính sách ưu đãi còn hạn chế, không kịp thời.

Các sở, ngành, đơn vị liên quan cần đi sâu, đi sát vào doanh nghiệp để chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ảnh: Hoạt động trao đổi mua bán cà phê tại Công ty TNHH MTV cà phê Bazan Đắk Nông

Tận tình, sáng tạo hơn trong xử lý công việc

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, việc thực hiện cam kết của các sở, ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa thể hiện quyết tâm cao của các đơn vị. Đơn cử như ở lĩnh vực đất đai, do khó khăn về trang thiết bị nên cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ, chưa thực hiện trực tuyến đối với hồ sơ đăng ký về quyền sử dụng đất. Vì thế, không thể đăng ký trực tuyến để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, cũng như các thủ tục hồ sơ dự án đầu tư có liên quan đến quyền sử dụng đất. Từ đây, doanh nghiệp phải làm thủ tục ở nhiều cơ quan có liên quan.

Ông Trần Văn Thuân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông cho rằng: “Những vướng mắc của doanh nghiệp nêu lên chưa giao cho một đầu mối cụ thể nào xử lý. Hễ liên quan đến lĩnh vực nào là doanh nghiệp phải loanh quanh chạy ngược chạy xuôi”. Cũng theo ông Thuân, để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh cần họp bàn, giao cho một đơn vị đầu mối xử lý vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiệm vụ của đơn vị đầu mối là làm việc với các sở, ngành liên quan để tổng hợp các quy định, văn bản liên quan để giải quyết dứt điểm khó khăn cho doanh nghiệp. Tránh tình trạng doanh nghiệp phải “chạy lòng vòng” mà kết quả không được như kỳ vọng.

Đề xuất về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Nguyên Thành Phát cho rằng: Đối với chuyên viên các sở, ngành phải năng động, sáng tạo khi thụ lý, xử lý hồ sơ. Cái nào quá khả năng của mình, xin ý kiến của lãnh đạo sở, UBND tỉnh để giải quyết dứt điểm cái đó. Các sở, ngành, địa phương phải nhìn vào tình hình thực tế, đi sâu đi sát để đồng hành cùng doanh nghiệp. Còn cứ làm việc theo kiểu nói nhiều, làm ít thì chưa biết đến khi nào doanh nghiệp mới hết khó khăn.

Như vậy, để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính thì quyết tâm của lãnh đạo UBND tỉnh, người đứng đầu các sở, ngành là chưa đủ. Quan trọng hơn, chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, chuyên viên trực tiếp thực thi công vụ phải từng bước được nâng lên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành cùng doanh nghiệp: Nói ít, làm nhiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO