Dòng vốn vay cho doanh nghiệp phát triển: Nghịch lý thiếu - thừa

Nguyễn Lương| 10/10/2018 10:54

Doanh nghiệp thì than phiền không vay được vốn, còn phía các ngân hàng thương mại lại khẳng định dòng vốn cho doanh nghiệp vay là không thiếu. Đây đang là nghịch lý mà nhiều năm nay, tại các diễn đàn nhà nước gặp gỡ doanh nghiệp, câu chuyện về vốn luôn được nhắc đến như một chủ đề mấu chốt để giải quyết nghịch lý thiếu-thừa nêu trên.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Những “nút thắt” chưa được mở

Doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, thời gian thẩm định chưa được rút ngắn, ngân hàng xem xét theo kiểu “cân lên đặt xuống”... là những “nút thắt” mà doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay khi đi vay vốn tại các ngân hàng thương mại.

Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thời gian qua, với sự chỉ đạo kịp thời từ Trung ương đến địa phương, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các sở, ban, ngành và hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như việc các chi nhánh ngân hàng thương mại đã nhiều lần thực hiện việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Nhiều tổ chức tín dụng áp dụng chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, với lãi suất thấp hơn 0,5-1% so với lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn. Việc gia hạn nợ trong nhiều thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn cũng được các tổ chức tín dụng triển khai.

Dự án Nông nghiệp Công nghệ cao và Du lịch sinh thái Phước Sơn của Công ty Nguyên Thành Phát (Đắk R'lấp). Ảnh: Lê Phước

Cùng với chính sách giảm lãi suất, gia hạn nợ, các chương trình kết nối tín dụng, đối thoại ngân hàng và doanh nghiệp cũng được tổ chức thường niên. Trong giai đoạn 2015 đến 2018, các đơn vị phối hợp đã tổ chức được hơn 20 cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và ngân hàng, với nhiều chuyên đề tiếp cận tín dụng đa dạng. Thông qua các buổi đối thoại, chuyên đề về tiếp cận tín dụng, không chỉ là dịp để doanh nghiệp nêu lên những vướng mắc, mà các tổ chức tín dụng đã giải đáp trực tiếp thắc mắc, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Cũng tại đây, việc ký kết và giải ngân các hợp đồng tín dụng mới, tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp được ký kết thực hiện để bổ sung vốn kinh doanh, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn. Việc đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp cũng được các ngân hàng thương mại chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tìm hiểu thông tin và triển khai.

Nhưng vẫn “trầy trật” mới vay được vốn

Cách đây không lâu, Công ty TNHH MTV Sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Nguyên Thành Phát (Công ty Nguyên Thành Phát), ở huyện Đắk R’lấp đã được Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Đắk Nông ký kết hợp đồng vay vốn với số tiền 20 tỷ đồng. Sau khi nguồn vốn được giải ngân, đơn vị đã bổ sung cùng với nguồn vốn hiện có để tiếp tục đầu tư vào Dự án nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn. Tuy nhiên, để vay được 20 tỷ đồng này, trước đó, doanh nghiệp đã tốn không ít thời gian, cũng như các chi phí liên quan.

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Nguyên Thành Phát thì tổng vốn đầu tư thực hiện dự án trên là hơn 80 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của đơn vị được 45 tỷ đồng, số còn lại công ty dự tính vay từ các ngân hàng thương mại. Gần 2 năm khởi công dự án cũng là khoảng chừng đó thời gian đơn vị tìm cách “gõ cửa” các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Đầu tiên, công ty làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp – PTNT Chi nhánh Đắk Nông. Sau một quá trình xem xét tính khả thi của dự án, cũng như toàn bộ tài sản liên quan, ngân hàng này đã đồng ý chủ trương cho doanh nghiệp vay 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, để vay được 25 tỷ đồng này, các thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan mà phía ngân hàng yêu cầu, doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Để có vốn phục vụ đầu tư dự án, công ty chuyển sang tiếp cận vay vốn bên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Đắk Nông. Để xem xét, về phía ngân hàng này đã xuống trực tiếp tại dự án, thậm chí xuống tận thành phố Hồ Chí Minh (nơi chủ dự án có tài sản) để xác minh tài sản. Sau một thời gian không ngắn, về phía ngân hàng đã đồng ý cho đơn vị vay 20 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, ngân hàng đã giải ngân cho đơn vị được 10 tỷ đồng.

“Ngân hàng là một “giá đỡ” về vốn để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất. Vậy nhưng, hiện nay, các ngân hàng thương mại đang quá “thận trọng” trong việc cho các doanh nghiệp vay vốn với định mức cao. Từ thực tế này khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn”- Ông Thành phân trần.

ADQuảng cáo

Cũng khá “trầy trật” mới vay được vốn từ ngân hàng thương mại đầu tư cho mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Nguyễn Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại xanh Thu Thủy (Đắk Song) chia sẻ: “Khi bắt đầu tiếp cận vốn đã khó, đến khi tiếp cận được rồi nhưng phía ngân hàng có sự thay đổi nhân sự thì dòng vốn vay đầu tư của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo”.

Lý giải về điều này, ông Thu cho biết: Cuối năm 2016, để khởi động dự án trồng rau, củ theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ  cao, với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng, trước đó, đơn vị phải loay hoay mãi mới vay được vốn từ ngân hàng thương mại. Sau một thời gian chạy ngược, chạy xuôi, đơn vị đã được Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Chi nhánh Đắk Nông đồng ý cho vay 10 tỷ đồng, với lãi suất 6,7%/năm. Với hình thức giải ngân theo đợt, đến nay, đơn vị mới được phía ngân hàng giải ngân cho hơn 7,7 tỷ đồng. Số vốn còn lại đến nay vẫn chưa được giải ngân. Mặc dù đơn vị đã nhiều lần làm việc với ngân hàng, nhưng với lý do chưa cung cấp đủ giấy tờ, hồ sơ liên quan, cùng với việc có sự thay đổi về nhân sự lãnh đạo ngân hàng nên đang… xem xét.

Dự án trồng rau, củ theo hướng ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Trang trại xanh Thu Thủy (Đắk Song) đã hoàn thành 90% nhưng số vốn còn lại vay từ ngân hàng vẫn chưa được giải ngân hết cho đơn vị

Đành “gõ cửa” ngân hàng ngoài tỉnh

Nếu như trường hợp của Công ty Nguyên Thành Phát và Công ty TNHH Trang trại xanh Thu Thủy “trầy trật” mãi vẫn được các ngân hàng thương mại trong tỉnh cho vay vốn, ngược lại nhiều công ty sau nhiều lần vay vốn tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh không được đành phải gõ cửa các ngân hàng ngoài tỉnh để có vốn đầu tư.

Trường hợp ở Doanh nghiệp tư nhân Thanh Mai (Tuy Đức) là một ví dụ. Theo bà Phạm Thị Mai, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thanh Mai thì sau một quá trình “gõ cửa” rất nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn, doanh nghiệp không thể đáp ứng hết yêu cầu mà ngân hàng đưa ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu về nguồn vốn của doanh nghiệp không được đáp ứng như kỳ vọng. Để có vốn đầu tư sản xuất, doanh nghiệp phải “nhờ” ngân hàng thương mại đóng chân trên địa bàn Đắk Lắk cho vay. Với nguồn vốn vay hơn 10 tỷ đồng mà ngân hàng cho vay, đơn vị đã giải quyết được khó khăn, từ đó, có vốn để mở rộng sản xuất, mua sắm thêm các trang thiết bị, nhập nguồn hàng phục vụ người dân. Bà Phạm Thị Mai cho biết: “Doanh nghiệp có mong muốn mở rộng sản xuất và tăng trưởng để có cơ hội tiếp cận những đơn hàng lớn. Khi bị các ngân hàng nội tỉnh khước từ, buộc chúng tôi phải xoay trở hướng khác để có vốn sản xuất kinh doanh”.

Theo nhiều doanh nghiệp, mặc dù đã có nhiều chương trình, đề án liên quan đến nguồn vốn vay doanh nghiệp nhưng để may mắn vay được vốn từ các tổ chức tín dụng theo nguyện vọng phục vụ vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, họ phải trải qua quá trình khá “trầy trật”.

Cũng nằm trong tình cảnh tương tự, ông Nguyễn Nho Lý, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu An Phong chia sẻ: “Để triển khai dự án, doanh nghiệp đã thế chấp rất nhiều tài sản vào ngân hàng. Vậy nhưng, về phía ngân hàng thương mại trên địa bàn định giá giá trị tài sản quá thấp, làm ảnh hưởng đến vấn đề tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp. Để có vốn lưu động triển khai dự án, buộc chúng tôi phải xoay trở bằng cách vay từ các tổ chức tín dụng bên ngoài”. Theo ông Lý, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đang nằm trong vòng luẩn quẩn mà khó thoát ra được. Doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, trong khi ngân hàng trả lời vốn không thiếu nhưng không thể cho vay. Muốn vay được, doanh nghiệp phải thế này, thế kia… Chính những khúc mắc đó đã, đang dẫn đến việc doanh nghiệp không đủ vốn, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, không có vốn trả lại ngân hàng.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hiện nay trên địa bàn có 7.550 khách hàng đang vay vốn ở các tổ chức tín dụng ngoại tỉnh, với tổng dư nợ hơn 1.900 tỷ đồng. Trong số đó, có khoảng 40 doanh nghiệp, với dư nợ tương đối lớn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, có lý do nhiều doanh nghiệp không vay được vốn từ các ngân hàng thương mại trong tỉnh và thủ tục hành chính, định giá tài sản ở các ngân hàng ngoài tỉnh thông thoáng hơn...

>> Kỳ 2: Cần thêm những “tiếng nói chung"

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng vốn vay cho doanh nghiệp phát triển: Nghịch lý thiếu - thừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO