Dự án Quy hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh: Chưa "bám rễ" vào cuộc sống

Lương Nguyên| 28/08/2018 10:05

Ngày 17/8/2015, UBND tỉnh Đắk Nông ra Quyết định số 1236/QĐ-UBND về phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Sau gần 3 năm quyết định ban hành, đến nay, Dự án này vẫn chưa "bám rễ" vào thực tiễn.

ADQuảng cáo

Bà con bon Ol Bu Tung, ở xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Mục tiêu rõ ràng

Dự án Quy hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Dự án) được phê duyệt với mục tiêu nhằm đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn. Dự án đã định hướng cho công tác quản lý nhà nước về sự phát triển của các cơ sở ngành nghề, làng nghề nông thôn phù hợp với định hướng phát triển các ngành kinh tế, xã hội của tỉnh, khu vực và các quy hoạch khác.

Dựa trên mục tiêu tổng quát, nhiều mục tiêu cụ thể của Dự án đã được đơn vị tham mưu đề xuất. Cụ thể, toàn tỉnh phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn thời kỳ 2015-2020 tăng 13%/năm; giai đoạn 2020-2030 tăng 9,5%-10%/năm.

Trong đó, ở lĩnh vực chế biến nông, lâm sản tăng bình quân khoảng 17,9%/năm; lĩnh vực xây dựng, vận tải tăng bình quân khoảng 12,9%; lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, đồ gỗ tăng khoảng 11,1%/năm; lĩnh vực sản xuất cây cảnh tăng 14,6%/năm; sản xuất mỹ nghệ tăng khoảng 13,5%/năm. Khi triển khai thực hiện, Dự án sẽ khôi phục và bảo tồn các nghề truyền thống của địa phương gồm: Dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, sản xuất rượu cần, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ khác…

Với việc hoạch định các mục tiêu cụ thể khi triển khai dự án, Đắk Nông phấn đấu mức thu nhập bình quân của người lao động tham gia hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn tăng từ 1 đến 1,5 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng vào năm 2020 và đạt trên 3,5 triệu đồng vào năm 2030.

Nhưng dường như bị… “bỏ quên”

Mục tiêu Dự án được đề ra khá rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, đến nay việc phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh gần như chưa có sự chuyển biến. Thảo luận về kế hoạch xây dựng và phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh Tại cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức mới đây, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng: “Dường như các sở, ngành, đơn vị đầu mối “bỏ quên” dự án này. Bởi vì, nếu như ngay sau khi có chủ trương phê duyệt mà các đơn vị cùng trăn trở, cùng xắn tay vào triển khai từng bước một thì có lẽ đến nay đã có kết quả tốt hơn”.

Thực tế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có làng nghề theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp-PTNT. Các ngành nghề nông thôn như: Sản xuất mộc thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, mây tre đan, cơ khí nhỏ, sinh vật cảnh… tuy đã có những bước phát triển nhưng còn dạng tự phát, nhiều hạn chế.

ADQuảng cáo

Chưa kể, một số nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa của dân tộc như: Dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, hàng thủ công mỹ nghệ… đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền do sự cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại được sản xuất công nghiệp và ngày càng ít được sử dụng trong đời sống hằng ngày. Một số nghề truyền thống hoạt động nhỏ bé, tự phát, phát triển chủ yếu trong kinh tế hộ, phục vụ cho sản xuất đời sống trong cộng đồng tại chỗ. Mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn với các nhà khoa học, nhà đầu tư và thị trường còn lỏng lẻo, chưa gắn bó chặt chẽ.

Để duy trì được nghề, ngành nghề truyền thống cần tìm được đầu ra cho các sản phẩm

Cần những giải pháp mang tính đột phá, thiết thực

Ngành nghề nông thôn phát triển sẽ đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là trong việc thu hút lao động dư thừa, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Để ngành nghề nông thôn phát triển, phát huy được vai trò trong đời sống xã hội thì rất cần những giải pháp hỗ trợ mang tính đột phá.

Ông Trần Đình Ninh, Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa cho biết: “Trước hết, để duy trì nghề truyền thống, làm cơ sở phát triển làng nghề, hằng năm nên có nguồn kinh phí riêng để hỗ trợ cho người dân duy trì, phát triển nghề. Kinh phí này sẽ sử dụng vào việc tập huấn nghề, mua nguyên liệu, tổ chức một số lễ hội nghề truyền thống, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm…”.

Liên quan đến giải pháp phát triển nghề, làng nghề, bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban quản lý Công viên địa chất núi lửa Krông Nô cho rằng: “UBND tỉnh nên có quy hoạch về phát triển nghề, làng nghề chi tiết, rõ ràng. Lĩnh vực nào, nghề, làng nghề nào nên được đầu tư, ưu tiên phát triển trước. Tránh tình trạng quy hoạch tràn lan mà hiệu quả đầu tư, phát triển không cao”.

Ngoài những giải pháp cụ thể được đưa ra, theo đại diện nhiều sở, ngành thì để triển khai có hiệu quả Dự án, chúng ta cần đẩy mạnh Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó, ưu tiên chú trọng các nghề phục vụ trực tiếp các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở ngành nghề nông thôn, các lớp truyền thống nghề của nghệ nhân.

Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp có sử dụng lao động nông nghiệp, cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn, làng nghề trong đào tạo để gắn lý thuyết và thực hành, nhằm tạo được đội ngũ lao động ngành nghề nông thôn có tay nghề, chất lượng. Các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cũng như các chương trình hỗ trợ vay vốn của Chính phủ về phát triển sản xuất, kinh doanh, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh: Phát triển nghề, làng nghề truyền thống không những tạo nên nét đặc trưng cho văn hóa của địa phương, mà còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Các cấp, ngành, nhất là những đơn vị đầu mối như Sở Nông nghiệp-PTNT, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải có sự phối hợp chặt chẽ  trong quá trình xây dựng, triển khai các kế hoạch phát triển làng nghề. Các sở, ngành, địa phương cần điều chỉnh, ưu tiên nguồn vốn để triển khai các bước trong phát triển làng nghề, trong đó chú trọng đến những nghề, làng nghề phi nông nghiệp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Quy hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh: Chưa "bám rễ" vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO