Du lịch nông nghiệp: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Văn Tâm| 26/08/2016 09:02

Bên cạnh việc phát triển các loại hình du lịch đặc thù như: Tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái…thì du lịch nông nghiệp của Đắk Nông được đánh giá là một loại hình có tiềm năng lớn nhưng vẫn còn đang bỏ ngỏ, chưa đưa vào chiến lược quy hoạch để phát triển và khai thác.

ADQuảng cáo

Sầu riêng là loại trái cây nổi tiếng của Đắk Nông

Trong một lần thực hiện tuor Famtriq (du lịch trải nghiệm) cùng với các thành viên của khoa Du lịch, Trường Đại học Đà Lạt, ngoài việc say đắm với các điểm du lịch như: hồ Tà Đùng, Thác Liêng Nung, Khu du lịch sinh thái cụm thác Đray Sáp – Gia Long… thì trên tuyến hành trình, đoàn nghiên cứu còn được trải nghiệm những làng quê trù phú với các trang trại cây ăn trái, chăn nuôi thú “độc” và lạ. Bên cạnh đó, những cộng đồng dân còn lưu giữ nền văn hóa nông nghiệp nguyên sơ… chưa được khai thác, đưa vào lịch trình tham quan đã làm các thành viên trong đoàn không khỏi ngỡ ngàng.

Bà Trương Thị Lan Hương, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Đà Lạt cho biết: “Mặc dù đã đi nhiều nơi nhưng khi đến Đắk Nông, tôi thấy tiềm năng về loại hình du lịch nông nghiệp là rất lớn, vậy mà không hiểu sao lại chưa được đưa vào khai thác. Bởi vì, ngoài việc làm phong phú chuyến đi, thu hút khách, du lịch nông nghiệp còn là hình thức phát triển mối giao hòa về mặt văn hóa, con người giữa các vùng thông qua việc đến ở hoặc tham quan có mục đích nhằm hưởng thụ các sản vật của hộ gia đình hay trang trại...”

Đắk Nông có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 650.000 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 90%, thuận lợi cho phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, cây hàng năm và đa dạng hàng hóa nông sản từ các loại cây trồng, vật nuôi.

Nếu thực hiện việc gắn kết giữa du lịch và nông nghiệp một cách bền vững sẽ gia tăng thu nhập cho người nông dân và tăng tính đa dạng của sản phẩm du lịch cho địa phương. Để làm được điều này, nhất thiết Đắk Nông phải có chiến lược rõ ràng để định hướng ngành nông nghiệp phát triển theo hướng mới lạ, mang đặc trưng riêng.

Du khách có thể tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất xoài trái vụ ở Đắk Mil

ADQuảng cáo

Đơn cử, đối với cây cà phê, tuy là loại cây trồng phổ biến của vùng Tây Nguyên, nhưng nếu các nông hộ, hợp tác xã hay doanh nghiệp của địa phương xây dựng một mô hình nhà vườn sản xuất cà phê khép kín phục vụ khách thì không phải địa phương nào cũng có. Đó là mô hình sản xuất cà phê sạch để du khách tham gia từ trồng trọt, chăm sóc, bảo quản đến chế biến. Sản phẩm làm ra du khách có thể thưởng thức hoặc bán ngay tại chỗ sẽ gây được cảm tình và tạo thêm nguồn thu cho nhà vườn.

Còn đối với các nhà vườn cây ăn trái, hiện Đắk Nông có gần 5.000 ha cây ăn trái với nhiều trang trại nổi tiếng như: vườn ổi, cam quýt, sầu riêng, măng cụt, chè… nằm dọc trên các điểm tham quan những điểm thác như: Liêng Nung, thác Đắk Glun, thác Lưu Ly, Thiền Viện Trúc Lâm Đạo Nguyên, Cụm thác Đray Sáp – Gia Long… nếu đưa vào khai thác sẽ tạo nên điểm du lịch tăng thêm cho các địa phương. Do vậy, việc phát triển tốt loại hình du lịch này chính là cơ hội tạo công ăn việc làm, cung cấp sinh kế, trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển kinh tế…

Ngoài ra, trên địa bàn các huyện, thị xã còn có các trại chăn nuôi thú hoang dã như: Gia Nghĩa có trại nuôi vịt trời; Đắk Song, Đắk Mil, Đắk R’lấp có trang trại nuôi heo rừng; Chư Jút, Krông Nô khai thác chăn nuôi cá lăng đặc sản trên sông Sêrêpốk… Các trang trại này nếu đưa vào khai thác theo hình thức giới thiệu mô hình chăn nuôi thân thiện, xây dựng các trò chơi, giải trí bằng chính các con vật nuôi và bán sản phẩm tự có từ trang trại sẽ được du khách quan tâm.

Vườn cam, quýt VietGap là điểm thu hút du khách bằng sản phẩm sạch

Theo ông Dương Ngọc Lang, Giám đốc Công ty CP Đà Lạt Xanh, một đơn vị chuyên thực hiện các tour du lịch nhà vườn thì du khách đến Đắk Nông những năm qua rất đa dạng về quốc tịch. Do đó, du lịch nông nghiệp là một hình thức xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tại chỗ rất hiệu quả và tiếp thị gốc về hồ sơ xuất xứ sản phẩm, nhất là khi nhu cầu về tự bảo vệ sức khỏe trước các thức ăn và môi trường ô nhiễm của cộng đồng xã hội tại các thành phố lớn ngày càng tăng.

Đắk Nông đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên triển khai loại hình du lịch nông nghiệp cũng góp phần cụ thể hóa tinh thần theo đường lối chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh. Chưa kể đến, quá trình thực hiện chương trình này đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng cao, môi trường sinh thái được cải thiện… Đây chính là điều kiện thuận lợi để các nông hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp liên kết xây dựng tuor du lịch nhà vườn và phát huy triệt để chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả mô hình du lịch này, các cấp, ngành chuyên môn của tỉnh cần nghiên cứu một cách thấu đáo việc xây dựng chủ trương, chính sách mang tính thực tiễn và đặc thù để khi du khác đến một lần có thể nhớ ngay thương hiệu du lịch nông nghiệp Đắk Nông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch nông nghiệp: Tiềm năng còn bỏ ngỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO