Giá cao su tăng: Nông dân phấn khởi

Văn Tâm| 27/04/2017 10:15

Sau nhiều năm giá mủ giảm mạnh, từ đầu năm đến nay, thị trường cao su bắt đầu phục hồi trở lại. Tính đến giữa tháng 3/2017, giá cao su đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, nhiều hộ trồng cao su trong tỉnh hết sức phấn khởi khi bước vào vụ khai thác với kỳ vọng về thu nhập được cải thiện.

ADQuảng cáo

Hiện giá cao su mủ tạp nước tại vườn trên địa bàn tỉnh được các cơ sở thu mua khoảng 12.000 – 15.000 đồng/kg (so với 6.000 đồng/kg vào năm 2016). Đây được xem là mức giá cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Văn Cầu ở thôn Jốc Ju, xã Nâm Nung (Krông Nô) trồng trên 4 ha cao su, vui mừng khi giá mủ cao su tăng

Theo nông dân trồng cao su ở các xã Nghĩa Thắng, Nhân Cơ (Đắk R’lấp) thì với mức giá mua cho đại lý thu gom khoảng 12.000 –đồng/kg trở lên là người trồng đã có lãi. Những hộ trồng nhiều sẽ có thu nhập cao, đồng thời thu hút được số lượng lớn lao động thời vụ ở địa phương với mức thu nhập khá.

Gia đình ông Nguyễn Văn Còn, ở thôn 12, xã Nhân Cơ có hơn 2 ha cao su. Vài năm gần đây, nhiều hộ trong thôn cắt tỉa cành cao su để trồng tiêu hoặc chuyển một phần diện tích sang trồng cây khác, nhưng ông Còn vẫn giữ lại vườn cây và chăm sóc chứ không đành phá bỏ vườn cao su.

Kết thúc một buổi sáng đi gom mủ trở về, ông Còn cho hay: “Từ khi thị trường mủ cao su tăng giá trở lại, những hộ trồng cao su tiểu điền như tôi đều hết sức phấn khởi. Mấy năm trước giá thấp đến nỗi không đủ để trả tiền cho nhân công cạo mủ, gia đình tôi ngừng khai thác để vườn cây thêm sức mà sinh trưởng, phát triển”.

ADQuảng cáo

Sau hơn 4 năm chăm sóc không khai thác vì giá mủ xuống thấp, chứng kiến ông Còn lần đầu tiên sau chừng ấy thời gian chờ đợi với tâm trạng vừa phấn khởi, vừa hồi hộp chạm mũi dao vào thân cây, một dòng mủ trắng ngà tuôn trào trong niềm vui khôn tả.

Ông Còn chia sẻ thêm: “Năm nay, khi giá tăng trở lại, điều mà hầu hết những người trồng cao su mong mỏi là nếu giá mủ cứ ổn định như thế này thì người dân sẽ có thêm một nguồn thu nhập đáng kể bên cạnh các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu, hoa màu…".

Theo ông Phạm Quang Vượng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk R’lấp, giai đoạn 2013 – 2015, giá mủ cao su xuống thấp, người trồng cao su trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Nhưng không vì lý do đó mà các hộ trồng cao su phá bỏ vườn cây. Hiện tượng chặt bỏ vườn cao su để chuyển sang cây trồng khác chỉ diễn ra ở một số ít hộ, đó là do điều kiện kinh tế, cách tính toán trong làm ăn của mỗi gia đình. Còn đa số bà con vẫn giữ lại và chăm sóc, quản lý vườn cây khá chu đáo để chờ giá cao trở lại. Đến nay, đa số nhà vườn trồng cao su đều hào hứng ra vườn khai thác mủ, với niềm tin giá cả sẽ ổn định sau nhiều năm trầm lắng.

Còn tại các xã trên địa bàn huyện Krông Nô như: Nâm Nung, Tân Thành, Đắk D’rô, Nâm Nung…, nhiều hộ trồng cao su cũng tự tin huy động nhân công để khai thác mủ cao su. Gia đình ông Đoàn Ngọc Tuyên ở thôn Đắk Lập, xã Đắk D’rô có 10 ha cao su.

Ông Tuyên cho biết hiện toàn bộ vườn cao su của gia đình ông đã bước vào thời kỳ kinh doanh. Theo tính toán của ông Tuyên, hiện giá mủ cao su mua tại vườn 1 lít có giá hơn 14.000 – 15.000 đồng. Sau khi trừ các chi phí thì cứ 1 ha bà con có thu nhập hơn 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, theo bà con, chỉ ở những vườn cao su được chăm sóc tốt thì vườn cây mới cho mủ ở mức 37 độ, còn những vườn cao su bị bỏ bê, không đầu tư thì năng suất và chất lượng mủ cũng sẽ giảm theo.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp – PTNT), hiện toàn tỉnh có 31.303 ha cao su, trong đó có 22.420 ha cao su tiểu điền, năng suất đạt 1,547 tấn/ha. Tổng sản lượng cao su toàn tỉnh đạt 26.016 tấn. Trong thời gian qua, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp đã có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển cao su trên địa bàn toàn tỉnh như: Tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, các chính sách hỗ trợ về vốn, tiếp cận vốn vay ưu đãi trong đầu tư chăm sóc… giúp người dân yên tâm chăm sóc cây cao su trong thời điểm giá mủ xuống thấp. Do đó, bước sang năm 2017, thị trường cao su khởi sắc trở lại là điều kiện để người dân trồng cao su tiểu điền hy vọng, tin tưởng cải thiện được mức thu nhập sau 4 năm cao su rớt giá.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá cao su tăng: Nông dân phấn khởi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO