Giá dầu tăng giá: Doanh nghiệp vận tải hành khách chưa tăng giá cước

Phan Tuấn| 26/04/2019 16:47

Ngày 17/4 vừa qua, giá bán lẻ xăng dầu tăng 1.600 đồng/lít dầu diesel, 2.690 đồng/lít xăng RON 95 và 2.480 đồng/lít xăng E5 RON 92. Đây là lần thứ 2 tăng giá xăng dầu trong tháng 4 và là lần tăng giá thứ 3 từ đầu năm 2019 đến nay. Vậy việc xăng dầu liên tục tăng giá ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh doanh vận tải, đặc biệt là đơn vị vận tải hành khách?

ADQuảng cáo

Từ đầu năm tới nay xăng dầu đã 3 lần tăng giá nhưng các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách vẫn chưa có động thái tăng giá cước

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông có 151 tuyến vận tải hành khách, bao gồm 146 tuyến liên tỉnh và 5 tuyến nội tỉnh. Đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi, đến nay có 6 đơn vị hoạt động kinh doanh với tổng số 301 phương tiện. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng đang có 3 đơn vị đăng ký kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ doanh nghiệp vận tải Hùng Kiên, ở thị xã Gia Nghĩa cho biết, đơn vị chủ yếu hoạt động tuyến đường dài Hà Tĩnh – Đắk Nông. Với giá xăng dầu hiện nay, một chuyến hành trình đơn vị tốn kém thêm 3 triệu đồng tiền xăng dầu. Ngoài việc giá nhiên liệu tăng cao, khi lưu thông, doanh nghiệp còn phải chi trả các loại phí đường bộ, tiền hao mòn, bảo dưỡng, sửa chữa xe, tiền lương cho người lao động… Khó khăn là vậy nhưng doanh nghiệp chưa có chủ trương tăng giá vé vận tải hành khách mà tập trung phục vụ thuận lợi cho việc đi lại của người dân, nhất là trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 rồi mới tính toán, cân đối doanh thu.

ADQuảng cáo

Bên cạnh loại hình vận tải chạy theo tuyến cố định thì loại hình vận tải taxi cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi giá xăng dầu. Theo ông Nguyễn Cao Lập, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Việt Đức (Hãng taxi Việt Đức), giá xăng dầu chiếm từ 30-40% các yếu tố cấu thành giá cước vận tải. Thời gian qua, Doanh nghiệp taxi Việt Đức đã niêm yết giá ổn định. Thế nên, để điều chỉnh giá cước, đơn vị phải báo cáo với Sở Giao thông - Vận tải, sau khi được chấp thuận thì phải dừng hoạt động khoảng 80 xe để thực hiện việc tháo niêm phong, kẹp chì đồng hồ để điều chỉnh giá cước. Tiếp đó, việc điều chỉnh đồng hồ giá cước còn phải được cơ quan chức năng kiểm định rồi đơn vị mới có thể đi vào hoạt động. Mặt khác, đơn vị cũng phải bóc toàn bộ đề can, bảng giá niêm yết trên xe trước đây để thay thế bằng bảng giá khác. Thủ tục rất phức tạp, chi phí tốn kém, nên doanh nghiệp không có ý định tăng giá mà sẽ tiết giảm các chi phí khác để bù vào mức tăng giá xăng dầu hiện nay.

“Việc ổn định giá cước đối với doanh nghiệp kinh doanh taxi là rất quan trọng, có như thế mới tạo được sức cạnh tranh. Hơn nữa, trong điều kiện cạnh tranh hiện nay, việc giữ chân khách hàng bằng cách giữ ổn định giá, tăng chất lượng phục vụ là rất quan trọng. Nếu thời gian tới, giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, lúc đó đơn vị mới tính đến việc có điều chỉnh giá cước để bảo đảm doanh thu hay không”- ông Lập chia sẻ.

Theo luật Giá, các doanh nghiệp được quyền quyết định giá bán, nếu giá đầu vào tăng thì các doanh nghiệp có thể đề xuất tăng. Tuy nhiên, trong dịp lễ 30/4 và 1/5 tới đây, tất cả các doanh nghiệp vận tải hành khách không tăng giá vé nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.

Theo Sở Giao thông – Vận tải, thời gian gần đây, giá xăng dầu đã nhiều lần điều chỉnh tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của các đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt là những đơn vị vận tải hành khách. Việc xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp vận tải xin điều chỉnh tăng giá cước cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị vận tải hành khách nào tăng giá cước vận tải hành khách.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá dầu tăng giá: Doanh nghiệp vận tải hành khách chưa tăng giá cước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO