Giải ngân vốn đầu tư năm 2018: Vốn... đợi công trình

Lương Nguyên| 29/08/2018 10:25

Vốn phân bổ chậm, vướng công tác giải phóng mặt bằng, thiếu cơ chế phối hợp trong quá trình triển khai, thời tiết mưa nhiều… là những nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn trong năm 2018 đạt thấp.

ADQuảng cáo

Tính đến 15/8/2018, vốn giải ngân cho lĩnh vực đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh mới thực hiện được 728 tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch và thấp hơn 20% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nguồn vốn địa phương quản lý giải ngân được 586 tỷ đồng, đạt 29%; vốn Trung ương quản lý giải ngân 141 tỷ đồng, đạt 38%.

Công trình trụ sở làm việc mới của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Đắk Nông đang thi công dở dang. Ảnh: Lê Phước

Tiến độ… ì ạch

Theo đánh giá của UBND tỉnh, mặc dù việc phân bổ vốn đầu tư năm 2018 cơ bản được thực hiện kịp thời ngay từ đầu năm nhưng tiến độ giải ngân vốn thời gian qua vẫn cứ “điệp khúc chậm”. Về phía UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp bàn, cũng như đề ra nhiều văn bản, giải pháp đốc thúc các chủ đầu tư, nhà thầu nhưng kết quả giải ngân cũng không mấy khả quan. Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 121 dự án chưa giải ngân vốn; 70 dự án giải ngân đạt dưới 50%; 68 dự án giải ngân đạt trên 50% và mới chỉ có 39 dự án giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Ông Dương Minh Châu, Trưởng Phòng Tổng hợp Quy hoạch (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Chưa có năm nào tiến độ giải ngân chậm như năm nay. Nhất là đối với những công trình mở mới, công trình chuyển tiếp hầu như những tháng đầu năm không có khối lượng để giải ngân. Mặc dù, ngay từ đầu năm, về phía UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thống kê chi tiết số lượng, tỷ lệ giải ngân từng công trình để giao kế hoạch vốn. Đối với những công trình có quyết định mở mới năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt ưu tiên giải ngân đến 75% vốn, vậy mà cũng chưa thấy công trình nào có khối lượng để giải ngân cả”. Liên quan đến vấn đề nguồn vốn đầu tư giải ngân chậm, ông Nguyễn Công Điều, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh khẳng định: “Hiện tại, riêng về lĩnh vực đầu tư không có một hồ sơ nào tồn đọng tại Kho bạc. Vậy kết quả giải ngân đạt thấp như thế thực chất đang “nghẽn” ở khâu nào vẫn cần được giải đáp để có giải pháp”.

Nhiều cái… vướng

Theo các chủ đầu tư, có nhiều nguyên nhân còn tồn tại dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn trong năm 2018 đạt thấp. Một trong số đó là do vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng, không bàn giao được mặt bằng cho nhà thầu thi công. Ông Nguyễn Huy Toàn, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho hay: Năm 2018, đơn vị chúng tôi được phân bổ 10 tỷ đồng để xây dựng trụ sở mới. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa giải ngân được đồng nào vì vướng khâu giải phóng mặt bằng. Mặc dù đơn vị phối hợp với UBND thị xã Gia Nghĩa tiến hành làm việc với người dân để làm các bước đối thoại, thỏa thuận, nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu.  

ADQuảng cáo

Song song với vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, trong quá trình triển khai dự án, sự thay đổi về chủ đầu tư, điều chỉnh một số hạng mục công trình… dẫn đến việc chậm trễ trong kế hoạch giao vốn.

Ông Hồ Sĩ Điệp, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (chủ đầu tư Dự án Hồ Gia Nghĩa) phân trần: “Ngay từ đầu năm, dự án được bố trí vốn 500 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và các hạng mục kỹ thuật khác. Để triển khai dự án, Ban chúng tôi đã chủ động họp bàn nhiều phương án. Tuy nhiên, đến tháng 6/2018, HĐND tỉnh thông qua và chia tách dự án thành 2 tiểu dự án. Trong đó, UBND thị xã Gia Nghĩa chịu trách nhiệm khâu giải phóng mặt bằng và tái định cư với kinh phí 430 tỷ đồng, còn Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm các công trình xây lắp, với tổng kinh phí 70 tỷ đồng. Sau quyết định này, hai chủ đầu tư dự án đã phối hợp với nhau để cùng bàn giao. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa có quyết định giao vốn nên bế tắc trong giải ngân”.

Tương tự, ông Phan Quốc Ly, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cho biết: “Nguồn vốn được giao cho đơn vị chúng tôi trong năm 2018 để hoàn thiện dự án trụ sở làm việc là hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ giải ngân chưa được nhiều. Một phần nguyên nhân là do trong quá trình triển khai có một số sự điều chỉnh các hạng mục công trình nên nhà thầu chậm trễ. Cùng với đó, có một số hạng mục như tường rào, sân chưa được phê duyệt để giao vốn”.

Ngoài những nguyên nhân trên, việc giải ngân vốn trong 8 tháng đầu năm 2018 chậm là do năng lực thi công của một số nhà thầu chưa bảo đảm. Trong thanh toán vẫn còn trường hợp dành vốn để ưu tiên cho các hợp đồng xây lắp, trong khi các gói thầu tư vấn đã hoàn thành nhưng vẫn chưa được thanh toán hết, dẫn đến chậm giải ngân. Một số dự án được bố trí vốn để hoàn trả vốn ứng trước hoặc thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, các chủ đầu tư chậm hoàn thiện thủ tục, hồ sơ gửi Kho bạc để giải ngân vốn. Sự phối, kết hợp giữa các đơn vị liên quan trong triển khai dự án còn thiếu tính chặt chẽ.

So với mặt bằng chung cả nước, tiến độ giải ngân vốn đầu tư của tỉnh Đắk Nông tương đối thấp. Nếu như đến giữa tháng 8/2018, tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển trên toàn quốc đạt 37,3% thì Đắk Nông mới chỉ đạt 31%. Việc giải ngân vốn chậm không chỉ ảnh hưởng đến tình hình chung trong lĩnh vực đầu tư phát triển, mà còn tác động đến mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Thời gian còn lại của năm 2018 không còn nhiều nên việc tháo gỡ từng vướng mắc, tìm ra giải pháp giải ngân vốn đạt kế hoạch đề ra phải thực sự quyết liệt.

Vướng ở đâu, gỡ ở đó

Ông Nguyễn Đăng Công, Trưởng Phòng Tài chính Hành chính sự nghiệp  (Sở Tài chính) cho rằng: Các chủ đầu tư cần chủ động gửi hồ sơ, thủ tục đến các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ quyết định giải ngân”. Trong công tác giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Huy Toàn, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho rằng: Chủ đầu tư, các bên tham gia và chính quyền địa phương nên phối hợp chặt chẽ, đốc thúc nhau trong việc đền bù giải tỏa. Nên chọn được những cá nhân có khả năng phù hợp, trình độ hiểu biết để tham gia công tác giải phóng mặt bằng vì trong khâu đền bù giải tỏa có rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Trao đổi về giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn trong thời gian tới, ông Nguyễn Công Điều, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh khẳng định: Vốn đầu tư không thiếu, Kho bạc Nhà nước tỉnh sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nguồn vốn kịp thời cho các dự án đã có hồ sơ thanh toán. Đối với những công trình đạt khối lượng trên 90% hoặc gần hoàn thành, Kho bạc Nhà nước sẽ tạo điều kiện giải ngân hết vốn, tạo điều kiện cho các nhà thầu trong việc tất toán, quyết toán công trình. Cũng theo ông Điều, ngoài nỗ lực của các đơn vị liên quan, về phía các chủ đầu tư cần tích cực rà soát tất cả các khâu, các công trình, thủ tục, để nắm được thủ tục nào, nơi nào, đơn vị nào còn vướng để tháo gỡ kịp thời. Riêng các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 5% hoặc chưa giải ngân cần gấp rút xem xét toàn bộ dự án của mình. Trong trường hợp nếu có vướng mắc, kịp thời báo cáo các cấp thẩm quyền cùng xử lý. Các chủ đầu tư phải tích cực giám sát tiến độ thi công của nhà thầu, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, đôn đốc, nhắc nhở có kế hoạch thực hiện đúng các hợp đồng được cam kết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải ngân vốn đầu tư năm 2018: Vốn... đợi công trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO