Giải pháp nào cho đầu ra nông sản trong mùa dịch ?

Lê Dung| 11/10/2021 09:00

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, khiến đầu ra của các loại nông sản trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đang đặt ra cho các cơ quan chức năng trong việc sớm có giải pháp hiệu quả để giải bài toán đầu ra cho nông sản Đắk Nông trong mùa dịch và cả về lâu dài.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Chuỗi cung ứng gián đoạn 

Nhiều yếu kém trong khâu sản xuất lẫn tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh được bộc lộ ngay sau khi dịch bệnh bùng phát. Hàng loạt nông sản phải "neo" lại trong vườn hoặc tồn kho với số lượng lớn. Nông dân và doanh nghiệp đang mong chờ các giải pháp kết nối chuỗi cung ứng.

Giá thấp, khó tiêu thụ

Cuối tháng 8 vừa qua, gia đình ông Nguyễn Văn Hoan, xã Đắk Lao (Đắk Mil) đã phải xuất vội gần 15 tấn bơ Sáp đang chuẩn bị đến độ thu hoạch ra thị trường.

Mọi năm, giá 1 kg bơ Sáp đạt chứng nhận OCOP "3 sao" của gia đình vào khoảng 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay, xét thấy dịch bệnh diễn biến khó lường, vườn bơ lại đang độ già nên ông quyết định bán sớm với giá chỉ bằng 1/2 so với năm ngoái.

Hiện tại, gia đình ông còn khoảng 4-5 tấn bơ Booth sắp bước vào vụ thu hoạch. Gia đình đang đắn đo giữa việc bán sớm hay chờ giá tăng lên mới thu hái. Bởi, hiện giá của bơ Booth cũng chỉ được khoảng từ 5.000-6.000 đồng/kg, giảm tận 60% so với trước.

Ông Hoan chia sẻ: "Mọi năm, sản phẩm bơ các loại của gia đình thường được vận chuyển theo xe khách đi đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… để tiêu thụ. Tuy nhiên, năm nay, gia đình không thể gửi đến được các địa chỉ đặt hàng nên đành bán qua thương lái, với giá rất thấp".

Giá bán thấp, sản lượng bơ năm nay chỉ bằng 1/3 của năm trước nên gia đình ông Hoan đang rơi vào tình cảnh "khó chồng thêm khó".

Bơ Sáp của gia đình ông Nguyễn Văn Hoan, xã Đắk Lao (Đắk Mil) bán với giá thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực (Tuy Đức) cũng gặp không ít khó khăn về "đầu ra” cho sản phẩm mắc ca.

Hiện nay, HTX vẫn duy trì sản xuất, nhưng hoạt động cầm chừng do khâu vận chuyển hạn chế. Phần lớn các đầu mối về thị trường của đơn vị hiện đều nằm ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, lượng hàng hóa xuất đi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX thì trước đây, trung bình mỗi tháng, đơn vị xuất đi khoảng 700 tấn mắc ca, nhưng năm nay chỉ xuất được 200 kg/tháng.

Giá bán ra của sản phẩm cũng chịu tác động mạnh mẽ. Bình thường, giá của 1 kg mắc ca thành phẩm loại 1 bán ra vào khoảng 220.000 đồng/kg, nhưng năm nay, giảm xuống còn 190.000-200.000 đồng/kg.

"Giá thấp, vận chuyển khó khăn nên hơn 70% lượng hàng hóa của đơn vị đang phải tồn kho, chờ tín hiệu từ các thị trường"- Ông Tuấn chia sẻ.

“Điểm nghẽn” chế biến, bảo quản

ADQuảng cáo

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp & PTNT, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh đến thời điểm thu hoạch không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ chậm.

Có nhiều “điểm nghẽn” trong khâu tiêu thụ nông sản được ngành nhìn nhận rõ, nhất là sau khi dịch bùng phát mạnh. Trong đó, quy mô sản xuất hiện nay của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún và phân tán.

Sản phẩm mắc ca của HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực (Tuy Đức) bị tồn kho do không thể vận chuyển đến nơi tiêu thụ

Do vậy, nông sản không bảo đảm về số lượng và đồng nhất về chất lượng, dẫn đến khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Trong khi đó, các đầu mối tiêu thụ chính cho nông sản như rau, củ, quả và trái cây của tỉnh lại chủ yếu nằm ở các tỉnh miền Đông Nam bộ. Vừa qua, các địa phương này lại đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên “đầu ra” chịu ảnh hưởng lớn.

Ngoài ra, việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến lao động, vận chuyển hàng hóa tiêu thụ cho địa phương…

Đặc biệt, khâu chế biến tại chỗ cho nông sản của tỉnh hiện nay rất hạn chế. Các cơ sở sơ chế biến hiện rất ít, quy mô nhỏ, lại thiếu vốn nên chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ và sơ chế kịp thời cho người dân…

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, hiện nay, khâu chế biến, tiêu thụ hàng hóa nông sản của tỉnh chưa được hoàn thiện, chủ yếu vẫn dựa vào thương lái. Công nghiệp chế biến nông sản, nhất là công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến sau thu hoạch phát triển chậm. Trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn để tổ chức liên kết sản xuất và thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Trong đó, một số sản phẩm công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu… vẫn chủ yếu được chế biến theo phương pháp khô truyền thống. Toàn tỉnh hiện có 24 cơ sở chế biến cà phê theo phương pháp xát khô.

Trong đó, có 3 doanh nghiệp Nhà nước và trên 50 cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ, với sản lượng khoảng 70 tấn sản phẩm/năm. Công nghiệp chế biến cà phê nhân, cà phê bột còn lạc hậu, chủ yếu là thủ công và bán tự động…

Trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ của nhiều nông sản thu hoạch mang tính thời vụ bị ngưng trệ

Tương tự, các sản phẩm hồ tiêu, điều cũng vậy. Các cơ sở, doanh nghiệp chế biến tiêu, điều còn quá ít. Các doanh nghiệp phát triển chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện nay, chưa kết nối ổn định và bền vững nên những nông sản này vẫn luôn rơi vào tình cảnh “được mùa, mất giá”.

Đối với các sản phẩm chủ lực địa phương như cây ăn quả, cây lương thực, khâu chế biến hiện cũng hạn chế. Trong đó, trái cây là sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn và thường thu hoạch tập trung theo mùa vụ.

Thế nhưng, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến và chế biến sâu các sản phẩm trái cây. Trái cây đến mùa thường tiêu thụ nội tỉnh và một số địa phương bên ngoài nên thường bị ép giá.

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, lịch thu hoạch của một số loại nông sản của Đắk Nông thường diễn ra vào các thời điểm như: rau, củ, quả cho thu hoạch quanh năm; bơ và sầu riêng thường thu hoạch từ tháng 5 - 10 hàng năm; cà phê, hồ tiêu từ tháng 11- tháng 1 năm sau.

>>Kỳ 2:Linh hoạt trong điều tiết cung - cầu

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào cho đầu ra nông sản trong mùa dịch ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO