Giải pháp nào cho đầu ra nông sản trong mùa dịch ? (kỳ 2): Linh hoạt điều tiết cung - cầu

Lê Dung| 12/10/2021 09:28

Dịch bệnh Covid-19 đã bộc lộ các “điểm nghẽn” trong khâu tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, cũng trong dịch bệnh, nhiều giải pháp linh hoạt cho sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản đang được người dân, doanh nghiệp, các ngành chức năng đồng lòng tháo gỡ.

ADQuảng cáo

Chủ động nguồn lao động

Bà Lê Thị Kim Liên, chủ Trang trại trái cây sạch ở Nhân Cơ (Đắk R’lấp) hiện có 14 ha cà phê chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, với sản lượng dự kiến đạt gần 20 tấn.

Vụ mùa này, gia đình bà cần tới 20 nhân công phục vụ thu hái. Dịch bệnh khiến gia đình khá lo lắng, nhưng không vì thế mà bà nản lòng. Vẫn là những lao động của mọi năm, nhưng năm nay, bà đã chủ động kết nối và có những giải pháp phòng dịch từ rất sớm.

Nhờ đó, gia đình bà hiện đã có đủ số lượng nhân công, bảo đảm cho việc thu hái sắp tới; trong đó, gồm 10 lao động tại địa phương và 10 người từ Đắk Lắk qua.

Bà Liên chia sẻ, để phòng, chống dịch và thu hái hiệu quả, gia đình đã sớm liên hệ với các đầu mối kết nối lao động; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhà ở, bếp núc, nơi sinh hoạt độc lập cho 2 nhóm công nhân.

Trong đó, nhóm công nhân tại chỗ sẽ ở lại trang trại và được bố trí sinh hoạt ở một khu vực riêng. Đối với nhóm công nhân từ Đắk Lắk qua, trước đó, gia đình đã hỗ trợ chi phí để thực hiện test y tế và thuê xe đưa, đón tận nơi.

"Lực lượng này cũng được sắp xếp nơi ở và sinh hoạt tại một khu vực riêng biệt, tránh tiếp xúc các nhóm lao động với nhau”, bà Liên cho biết.

Trang trại trái cây sạch ở Nhân Cơ (Đắk R’lấp) bố trí nhân công là người địa phương ăn, ở, sinh hoạt và làm việc tại chỗ, chuẩn bị cho việc thu hái cà phê sắp tới

Tương tự, để việc thu hoạch cà phê hiệu quả, năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Hoan, xã Đắk Lao (Đắk Mil), đã chủ động, linh hoạt trong các phương án, nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm nhân công do dịch bệnh.

Ông Hoan tính toán: “Với hơn 3 ha cà phê, gia đình dự kiến khoảng 10 nhân công, thu hái trong vòng nửa tháng. Tuy nhiên, năm nay sẽ không tổ chức hái dồn dập như mọi năm, mà gia đình đã bàn bạc với các hộ lân cận để đổi công, lần lượt hỗ trợ nhau khi thu hái”.

Cũng theo ông Hoan, năm trước, thời điểm này cũng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên gia đình quyết định tổ chức thu hái sau cùng. Khi đó, nhân công đã thu hoạch xong các vườn trong vùng, cà phê của gia đình cũng đủ độ chín đều. Giờ chỉ cần công tác an ninh tốt, người dân sẽ không phải lo lắng và nóng vội trong quá trình thu hoạch”- Ông Hoan tâm sự.

Phát huy nguồn lực tại chỗ

Để mở rộng “đầu ra” cho nông sản, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã vận động, kêu gọi các nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ thu mua, tiêu thụ cho người dân.

HTX Nam Hải Đắk Nông ở xã Quảng Tân (Tuy Đức) là một trong những đơn vị tiên phong trong hoạt động hỗ trợ thu mua, tiêu thụ chanh dây và rau, củ, quả cho người dân trên địa bàn huyện Tuy Đức.

Mỗi ngày, đơn vị thu mua gần 10 tấn chanh dây tươi, tương đương với 4,5 tấn chanh múc. Trái chanh tươi sau thu mua được đơn vị sơ chế và bảo quản trong kho lạnh. Đều đặn 1 tuần, HTX sẽ xuất đi 30 tấn chanh múc cho các nhà máy chế biến ở miền Đông Nam Bộ.

Vụ mùa năm nay, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, đơn vị đã tiêu thụ được trên 150 tấn chanh dây cho bà con trên địa bàn huyện. Ngoài ra, HTX đã hỗ trợ tiêu thụ được gần 100 tấn rau, củ các loại cho bà con để vận chuyển đi ủng hộ các địa chỉ từ thiện ở TP. Hồ Chí Minh.

Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Giám đốc HTX Nam Hải Đắk Nông cho biết: “Trước đó, đơn vị đã thông báo tới các xã để thông tin về việc thu mua nông sản cho bà con. Bất cứ khi nào có nông sản cần bán, bà con cứ mang tới, HTX sẽ hỗ trợ thu mua hết, với mức giá cao hơn giá thị trường”.

ADQuảng cáo

Chanh dây sau khi sơ chế được HTX Nam Hải Đắk Nông (Tuy Đức) đưa vào kho lạnh bảo quản

HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực, xã Quảng Trực (Tuy Đức), cũng tích cực hỗ trợ bà con trên địa bàn trong thu mua, bảo quản và chế biến hạt mắc ca. Trong đợt dịch cao điểm, đơn vị đã vận động bà con giữ lại hàng, chờ được giá mới bán. HTX đã tận dụng 2 kho lạnh để hỗ trợ bảo quản mắc ca cho nhiều hộ dân trong vùng có nhu cầu. 

Theo ông Kiều Quý Diện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Tuy Đức, huyện đã huy động được 14 doanh nghiệp tại chỗ tiêu thụ hơn 11.000 tấn nông sản cho bà con.

Đây được xem là thành quả của sự đồng lòng trong việc thực hiện mục tiêu “kép”, vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả của mọi người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 26 kho đông lạnh của các cơ sở, đại lý, chủ vựa thu mua sầu riêng, bơ và chanh dây phục vụ bảo quản sản phẩm sơ chế, chế biến, với tổng công suất cấp đông đạt gần 3.000 tấn sản phẩm. Các kho lạnh này đã góp phần điều tiết tiêu thụ sản phẩm nông sản trong thời gian qua.

Chấp nhận tăng chi phí vận chuyển

Khâu vận chuyển khó khăn, nhưng không làm khó được Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Yến Nhi, xã Quảng Tân (Tuy Đức). Hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường nên đơn vị chấp nhận bỏ thêm chi phí để xuất được hàng. Hiện tại, mỗi tháng, công ty đang chế biến khoảng từ 200-300 tấn sầu riêng trái tươi, để phục vụ xuất khẩu.

Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Yến Nhi (Tuy Đức) đầu tư kho cấp đông, bảo quản sầu riêng múi, phục vụ xuất khẩu

Ông Vũ Đình Chiện, Phó Giám đốc Công ty cho biết, do công suất chế biến của nhà máy lớn nên ngoài nguyên liệu tại chỗ, doanh nghiệp đang phải thu mua ở các địa phương lân cận về.

Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch này, các chi phí vận chuyển tăng cao. Cụ thể, trước đây, phương tiện từ Đắk Lắk chở hàng xuống chỉ mất khoảng 3 triệu đồng/chuyến thì giờ đã tăng lên 6 triệu đồng/chuyến.

Còn giá một công hàng từ Đắk Nông xuống Cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) trước chỉ mất 14 triệu đồng, nay công ty đành chấp nhận từ 20-25 triệu đồng/contairner hàng.

Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Yến Nhi (Tuy Đức) chấp nhận chi phí vận chuyển tăng 50% so với trước, để có đủ nguồn nguyên liệu cho chế biến

Tương tự, để chủ động phương tiện vận chuyển mặt hàng chanh dây, HTX Nam Hải Đắk Nông (Tuy Đức) cũng chấp nhận gánh thêm một số chi phí khác. Hiện tại, các tài xế và phương tiện vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa đều được bố trí ăn, ở tại nhà máy, nhằm hạn chế đi lại, tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Giám đốc HTX, nếu như trước đây, khi xuất một công hàng từ Đắk Nông xuống các tỉnh Đông Nam Bộ mất khoảng 20 triệu. Còn hiện nay, chi phí đó phải tăng lên tới 30 triệu đồng/container hàng.

Tuy nhiên, đây là giải pháp duy nhất lúc này của HTX để hàng hóa không bị ách tắc sau khi sơ chế. Cũng từ đây, “đầu ra” cho nông sản của địa phương sẽ được lưu thông thông suốt.

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, sau hơn 1 tháng triển khai, Tổ công tác kết nối, hỗ trợ nông sản của tỉnh đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trực tiếp cho trên 3.600 tấn rau, củ, quả các loại; 5.200 tấn sầu riêng và 2.500 tấn bơ các loại. Tổ công tác cũng kết nối trao đổi thông tin và tiêu thụ từ 150-300 tấn nông sản/tháng/đại lý. Đến nay, Tổ công tác đã thiết lập được các đầu mối cung cấp thông tin của 14 công ty, doanh nghiệp; 33 đại lý, cơ sở thu mua và 91 hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình với các kênh thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Tổ công tác đã hỗ trợ tháo gỡ các "điểm nghẽn" về thủ tục, lưu thông trong tiêu thụ cho một số nông sản khác.

Kỳ 3: Tính đường dài cho tiêu thụ nông sản

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào cho đầu ra nông sản trong mùa dịch ? (kỳ 2): Linh hoạt điều tiết cung - cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO