Giải pháp nào cho đầu ra nông sản trong mùa dịch? (kỳ 3): Tính đường dài cho tiêu thụ nông sản

Lê Dung| 14/10/2021 09:13

Đa dạng hình thức bán hàng, ưu tiên phát triển kênh tiêu thụ nông sản có liên kết chuỗi, chủ động về thị trường và giá bán… là những giải pháp đang được tỉnh triển khai, giúp nông sản Đắk Nông đi xa hơn, có chỗ đứng bền vững hơn trên thị trường.

ADQuảng cáo

Thay đổi cách thức tiêu thụ

Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các kênh tiêu thụ truyền thống bị ngưng trệ thì việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) được xem là một trong những cách thức kết nối thông tin nhanh nhất.

Doanh nghiệp chú trọng đưa sản phẩm của mình lên các sàn Thương mại điện tử

Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX), chủ thể tích cực tham gia các sàn TMĐT. Đối tượng tham gia các sàn giao dịch thương mại đó là: Các sản phẩm nông sản của các HTX, Tổ hợp tác, doanh nghiệp và các sản phẩm được chứng nhận OCOP. Toàn tỉnh hiện đã đưa được 81 lượt sản phẩm lên sàn TMĐT; trong đó, sàn OCOP: 7 lượt; Voso.vn: 63 lượt và Postmart.vn: 11 lượt sản phẩm.

Thông qua các sàn TMĐT, các chủ thể của tỉnh có thêm kênh tiêu thụ mới. Bước đầu cho thấy, nhiều tín hiệu tích cực từ không gian tiêu thụ mới này. Cụ thể, đến nay, số lượng các sản phẩm đã tiêu thụ được 255 đơn hàng các loại hạt mắc ca Thịnh Phát (với tổng sản lượng 225 kg); gạo Buôn Choáh đã bán được 70 đơn hàng các loại (sản lượng 595 kg).

Ngoài ra, các sàn TMĐT đã và đang cung ứng, giới thiệu nhiều sản phẩm nông sản thế mạnh khác của Đắk Nông như: sa chi, cà phê, tiêu, điều, gạo, khoai lang…

Theo bà Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Phát (Gia Nghĩa), tham gia các sàn TMĐT đã giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh các đối tượng khách hàng. Người tiêu dùng không phải đi đâu xa vẫn nắm chắc thông tin và mua được sản phẩm chất lượng.

Hiện tại, doanh nghiệp đang thiết lập nhiều kênh bán hàng khác nhau, phù hợp với xu thế và tình hình dịch bệnh. Đã đến lúc, cộng đồng doanh nghiệp nên phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu online, ngay cả khâu đóng gói.

Nhiều nông sản của tỉnh Đắk Nông đang tham gia sàn thương mại điện tử "voso.vn"

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, việc giúp nông dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp sẽ góp phần đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT hiệu quả. Điều này cần phải sớm được đẩy mạnh.

Bởi chỉ có sàn TMĐT mới tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, nhiều mức độ nhu cầu khác nhau. Có như vậy, nông dân mới có nhiều lựa chọn đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá tốt nhất.

Theo Sở Công thương, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 55% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các sàn TMĐT, mạng xã hội, các ứng dụng TMĐT bán hàng và các website bán hàng. Doanh số TMĐT tăng 25% năm, chiếm trên 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh; 80% website TMĐT của doanh nghiệp có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT…

Thu hút các "đầu tàu" kinh tế

Trong kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu hàng chủ lực tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025 đã đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề hình thành các mô hình liên doanh, liên kết.

ADQuảng cáo

Khâu liên kết được thực hiện giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và người sản xuất theo hướng “cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân”.

Thông qua hợp đồng liên doanh, liên kết, hợp đồng dài hạn, các doanh nghiệp cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào, gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Tỉnh khuyến khích phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung. Trong đó, một số doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu sẽ từng bước được hình thành, giữ vai trò dẫn dắt quá trình thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Đầu tư phát triển công nghiệp chế biến cũng được tỉnh đặc biệt ưu tiên. Trong đó, tỉnh chú trọng hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến gắn với tổ chức sản xuất tập trung và thị trường tiêu thụ.

Chanh dây được thu mua và sơ chế tại Công ty cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức)

Theo ông Nguyễn Chí Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức), nếu làm được cả khâu liên kết và chế biến sâu, chuỗi sản xuất - tiêu thụ cho nông sản địa phương sẽ được khép kín.

Nông dân sẽ sản xuất theo quy trình, quy chuẩn, được hỗ trợ “đầu vào”. Doanh nghiệp sẽ bao tiêu sản phẩm tại chỗ, với mức giá đã đàm phán trước đó. Như vậy, giá trị kinh tế của nông sản được nâng cao.

Các chi phí phát sinh giảm dần. Tính cạnh tranh của sản phẩm khi ra thị trường tăng lên rõ rệt. Nông dân và doanh nghiệp sẽ không còn lo ngại về những “cú sốc” lớn từ thị trường.

Còn theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, trước mắt, ngành Nông nghiệp sẽ đề xuất các doanh nghiệp, cơ sở thu mua đưa ra được năng lực sản xuất, nhu cầu nguồn nguyên liệu.

Từ đó, đơn vị sẽ kết nối các vùng nguyên liệu ổn định của người dân với doanh nghiệp thông qua các HTX. Nếu làm được điều này, người nông dân không phải lo lắng tới vấn đề thị trường.

"Khi liên kết sản xuất, chúng ta đã có thị trường và có giá sàn được thảo luận công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi của các bên”, ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.

Sầu riêng được đầu tư cấp đông, tăng giá trị kinh tế gấp đôi so với bán trái tươi

Trong xu thế hiện nay, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, nhất là thị trường khó tính. Vì vậy, nếu muốn sản phẩm của mình có giá cao, người nông dân phải sản xuất theo những tiêu chuẩn mà người tiêu dùng đặt ra.

Một trong những yêu cầu đó là, sản phẩm của người nông dân phải được chứng nhận, được truy xuất nguồn gốc, được các cơ quan chức năng thẩm định đủ điều kiện, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong giai đoạn 2020-2025, toàn tỉnh có 14 dự án đăng ký đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.090 tỷ đồng. Trong đó, các dự án tập trung chủ yếu vào xây dựng nhà máy chế biến nông sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi heo tập trung…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào cho đầu ra nông sản trong mùa dịch? (kỳ 3): Tính đường dài cho tiêu thụ nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO