Giải thể các Công ty Lâm nghiệp: Loay hoay tìm phương án khả thi (Kỳ 2): Mong sớm giải thể, sắp xếp

Đức Hùng| 29/11/2016 11:00

Đây là ý nguyện của lãnh đạo, cũng như người lao động các công ty nông lâm nghiệp thuộc diện phải giải thể theo quyết định đã được ban hành của UBND tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuận Tân ở xã Thuận An (Đắk Mil) có 27 nhân viên, theo phương án giải quyết lao động thì có 1 cán bộ về hưu, 3 người có nguyện vọng giám định về hưu trước tuổi, 11 cán bộ có nguyện vọng giải quyết chế độ một lần, 12 cán bộ đang tham gia công tác giải thể, trong đó có 3 cán bộ nguồn, 9 cán bộ trẻ có nguyện vọng được bố trí công việc.

Trụ sở Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân (xã Trường Xuân, Đắk Song)

Ông Lê Khắc Bính, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuận Tân, thành viên Hội đồng giải thể cho biết: “Các phòng ban của công ty vẫn đang hoạt động để phục vụ công tác giải thể, hiện nay đơn vị gặp một số khó khăn như: Không có kinh phí để hoạt động, toàn bộ nhân viên trong công ty phục vụ công tác giải thể 4 tháng nay chưa có lương. Sau khi có quyết định giải thể, công ty bị thu hồi con dấu, chức danh phòng ban coi như chấm dứt. Chưa bãi nhiệm nhưng không còn công ty nên quyền giám đốc hết hiệu lực. Muốn điều hành thì tôi phải bảo đảm được quyền lợi cho anh em, hiện nay công ty không thể điều động được nhân viên đi tham gia QLBVR, không còn chức danh giám đốc muốn ký giấy tờ, chấm dứt hợp đồng cho các nhân viên cũng không thực hiện được”.

Anh Phan Anh Sơn, nhân viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuận Tân chia sẻ: “Tâm lý của những nhân viên công ty “rất nản”, giao động, không biết sẽ như thế nào, đi đâu về đâu, bao giờ được hưởng chế độ. Nguyện vọng của anh em nhân viên công ty là sớm hoàn tất công tác giải thể, được bố trí công việc. Theo quyết định giải thể, những người tham gia vào công tác giải thể sẽ được trả lương nhưng 4 tháng nay, đơn vị thực hiện việc chấm công nhưng hiện nay chưa được nhận lương. Nếu không có phương án mang tính cụ thể thì sẽ ảnh hướng đến tâm lý người lao động. Các tài sản của công ty nằm trong kiểm kê sau khi tuyên bố giải thể mất thì sao? Tôi mong muốn giải quyết sớm, về việc giao rừng cũng vậy cần làm sớm để có phương án bảo vệ rừng tránh để lợi dụng thời gian giao thời nhiều đối tượng lợi dụng phá rừng, lấn chiếm đất rừng”.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân, xã Trường Xuân (Đắk Song) có 17 công nhân, hiện còn 5 người đang tham gia công tác giải thể. Sau khi  quyết định giải thể, ngành chức năng thu hồi con dấu, giấy phép.

ADQuảng cáo

Sau thời gian giải thể không có kinh phí để hoạt động, các khoản chi tiêu để công ty hoạt động đều do ông Trần Quyết Tâm, nguyên Giám đốc công ty, thành viên Hội đồng giải thể bỏ ra, ông còn “bỏ tiền túi” cho nhân viên ứng tiền chi tiêu hằng ngày. 4 tháng chưa có lương dù công ty vẫn tổ chức chấm công cho những người tham gia vào công tác giải thể.

Theo ông Tâm hiện tâm lý người lao động chán nản, tháng thứ 4 không có lương, các hoạt động điều hành rất khó khăn vì không bảo đảm được quyền lợi cho người lao động. Hiện nay, công ty có 4 công nhân đang tham gia việc bảo vệ rừng tại hai chốt QLBVR, tuy nhiên công nhân đang chán nản và có hai người có nguyện vọng được chấm dứt hợp đồng. Phương án công ty đã xây dựng, đang chờ hội đồng giải thể xem duyệt cái nào chưa được thì yêu cầu làm lại. Phương án nào xong thì có thể duyệt sớm để thực hiện trước rút ngắn thời gian “ngồi chờ canh trụ sở".

Anh Y Mau, trú tại thôn 1, xã Trường Xuân, làm công nhân cho Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân từ năm 1994, khi công ty giải thể anh xin nghỉ hưởng chế độ 1 lần. Hiện tại anh Y Mau về nhà làm rẫy với vợ con, gia đình có 1ha rẫy.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, Phó Chủ tịch HĐGT tỉnh cho biết: “Tất cả các phương án, người thực hiện công tác giải thể, theo luật định kinh phí lấy từ nguồn ngân sách, còn các công ty hoạt động lấy từ nguồn tài chính của công ty. Tuy nhiên, sắp tới đây quy định sẽ tháo gỡ triệt để khi thành lập các hội đồng và nguyên Giám đốc công ty sẽ là Phó Chủ tịch HĐGT tham mưu cho Chủ tịch hội đồng tiếp tục ký kết hợp đồng và thanh toán hợp đồng, thanh toán lương, chi phí khác. Mỗi đơn vị giải thể có một tài khoản để giao dịch chi tiêu phục vụ công tác giải thể, sau đó đưa vào kinh phí giải thể”.

Bán trụ sở, tài sản để trả nợ

Căn cứ vào kết quả kiểm kê tài sản đến ngày 31/12/2015 thì tài sản của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuận Tân bao gồm: Nhà trụ sở, văn phòng, nhà tập thể cán bộ công nhân viên, bếp tập thể, cây xăng dầu Thuận An, kho phân, vườn ươm, văn phòng lâm trường, nhà trạm hai đội quản lý bảo vệ rừng số 1, số 2 và thiết bị máy móc, công cụ, dụng cụ…

Tổng giá trị tài sản 22,7 tỷ đồng, nợ phải trả 9,1 tỷ đồng, nợ không thể thu hồi 1,9 tỷ đồng. Theo phương án tài chính công ty xây dựng thì đơn vị sẽ bán các tài sản đang sở hữu để thực hiện việc trả nợ.

Tương tự, phương án giải quyết tài sản của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân (Đắk Song), định giá tài sản gắn liền với đất khoảng 3 tỷ đồng, gồm: Trụ sở làm việc, nhà ăn tập thể, hội trường, trạm quản lý bảo vệ rừng và các loại máy móc, tài sản khác… 

Theo tính toán của công ty thì hiện đơn vị còn nợ hơn 778 triệu đồng. Công ty có vườn cà phê 2,9 ha và các tài sản khác nếu thanh lý vườn cà phê này sẽ đủ tiền để giải quyết công nợ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải thể các Công ty Lâm nghiệp: Loay hoay tìm phương án khả thi (Kỳ 2): Mong sớm giải thể, sắp xếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO