Giải thể các công ty lâm nghiệp: Vẫn phải nhờ vào "bầu sữa" của nhà nước

Đức Hùng| 02/08/2017 09:52

Cần khoảng 70 đến 80 tỷ đồng trích từ ngân sách nhà nước là con số mà Hội đồng giải thể (HĐGT) tỉnh Đắk Nông đề xuất nhằm bù đắp các khoản âm, xử lý những vướng mắc liên quan đến tài chính hiện nay trên lộ trình giải thể 6 công ty lâm nghiệp để chuyển sang các mô hình hoạt động khác. Như vậy, đến khi "khai tử" mô hình cũ, chuyển sang mô hình mới, các doanh nghiệp này vẫn chưa thể thoát khỏi "bầu sữa" của ngân sách nhà nước.

ADQuảng cáo

Theo kế hoạch, đến hết tháng 7/2017, việc giải thể 6 công ty lâm nghiệp sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau một năm thực hiện việc giải thể các công ty lâm nghiệp, HĐGT mới hoàn thành được 1 trong 3 phương án thành phần. Trước tình hình này, UBND tỉnh đồng ý gia hạn thêm 6 tháng để các bên liên quan hoàn thành những phần việc còn lại.

Tài sản có giá trị nhất của các công ty lâm nghiệp hiện nay là đất xây dựng trụ sở

Ngổn ngang những việc cần làm

Ngoài phương án về lao động hiện cơ bản hoàn thành, đến nay, còn 2 phương án là tài chính và rừng, đất rừng chưa hoàn thành. Đây là những phương án khó, nhiều đầu việc nhưng lại đang có nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Cụ thể, đối với việc xử lý đất đai, căn cứ vào quyết định giao đất của UBND tỉnh, các công ty thuộc diện giải thể phải hoàn thành quy trình, hồ sơ để giao đất về cho địa phương tiếp nhận, quản lý. Theo đó, HĐGT, các công ty đang phối hợp với Trung tâm giám sát nông lâm nghiệp xác minh hiện trạng rừng, đất rừng thông qua việc giải đoán ảnh bản đồ, trên cơ sở đó để triển khai việc bàn giao. Tuy nhiên, đến thời điểm nay, công tác bàn giao cũng mới triển khai được ở một vài đơn vị nhưng vẫn trong tình trạng dang dở.

Khó khăn lớn nhất trong quá trình bàn giao rừng và đất rừng hiện nay vẫn là sự biến động về diện tích, thực trạng thực tế với hồ sơ khảo sát. Chính vì vậy, quá trình bàn giao, nhiều địa phương không giám ký nhận bàn giao. Để tháo gỡ vấn đề này, UBND tỉnh Đắk Nông đã có công văn yêu cầu các huyện phải tiếp nhận theo thực tế hiện trạng hiện nay. Còn vì sao biến động, mất rừng, mất trong thời gian nào sẽ được làm rõ trách nhiệm. Để tránh mất rừng sau khi nhận giao rừng, UBND tỉnh yêu cầu các huyện phải xây dựng kế hoạch sử dụng, quản lý chi tiết sau khi nhận bàn giao.

Đối với việc xử lý phương án tài sản, tài chính lại còn nan giải hơn. Trong quá trình xử lý phương án tài chính, một số công nợ theo báo cáo tài chính của 6 công ty hiện rất lớn, khó bảo đảm thu hồi công nợ và cân đối thu chi. Các công ty thuộc diện giải thể có số lượng các hợp đồng kinh tế nhiều, trong đó, một số hợp đồng không bảo đảm về mặt pháp lý về trình tự hồ sơ, thủ tục nên gây khó khăn trong xử lý.

Về đối chiếu công nợ, việc thu hồi nợ của các công ty này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Có những khoản nợ dây dưa từ rất lâu chưa được giải quyết. Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa có khoản nợ đến gần 30 năm vẫn chưa được tất toán. Riêng 3 công ty gồm: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Đức, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Trường Xuân và Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa đến nay chưa thu hồi được đồng công nợ nào. Các công ty còn lại mặc dù có thu hồi được công nợ nhưng cũng rất khiêm tốn.

ADQuảng cáo

Điều đáng nói, trong số công nợ của các công ty hiện nay, nhóm nợ khó thu chiếm số lượng rất lớn. Hiện nay, HĐGT đang tham mưu cho UBND tỉnh và lên danh sách đề nghị xóa nợ theo quy định với những khoản nợ không đòi được do chủ nợ đã chết hoặc bỏ đi khỏi địa phương không liên hệ được.

Như vậy, mặc dù thời gian còn lại không nhiều, kể cả thời gian gia hạn, song khối lượng công việc còn lại để hoàn chỉnh thủ tục giải thể các công ty lâm nghiệp này đang còn rất "ngổn ngang".

Đang chờ "hà hơi, tiếp sức"

Ngoài mặt thủ tục, quy trình, khó khăn lớn nhất hiện nay trên lộ trình giải thể các công ty lâm nghiệp vẫn là bài toán về tài chính. Trên cơ sở thẩm định giá sơ bộ ban đầu đối với nhà cửa, vật dụng, tài sản trên đất của các công ty đều không có giá trị hoặc giá trị còn lại rất thấp nên sau thanh lý, việc thu hồi vốn của công ty này không được là bao. Từ đây, việc cân đối nguồn để xử lý các vấn đề phát sinh là không thể thực hiện nếu không có sự "hà hơi, tiếp sức" từ nguồn ngân sách nhà nước.

Theo tính toán của HĐGT, sau khi xử lý tài sản, tài chính của các công ty, trừ công ty TNHH MTV Gia Nghĩa, 5 công ty còn lại đều bị âm, chi lớn hơn thu. Chỉ riêng thực hiện phương án lao động, tổng số lao động dôi dư của 6 công ty lâm nghiệp là 167 người. Việc chi trả các chế độ chính sách cho người lao động sau khi các công ty giải thể theo quy định sẽ được thanh toán trên cơ sở lấy từ nguồn thanh lý, bán đấu giá các tài sản của công ty.

Tuy nhiên, thời gian giải thể kéo dài, việc xử lý tài chính của các công ty gặp nhiều vướng mắc cũng như tình trạng âm nguồn chi nên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh tạm ứng 6,5 tỷ đồng kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp chi trả tiền cho người lao động. Đến nay, tất cả các lao động dôi dư của các công ty lâm nghiệp đã nhận được kinh phí hỗ trợ, còn việc bố trí việc làm sẽ được thực hiện sau khi các công ty giải thể.

Theo ông Phạm Đình Trọng, Phó trưởng Phòng Doanh nghiệp Kinh tế tập thể, Tư nhân (Sở Kế hoạch và Đầu tư), Ủy viên Thường trực HĐGT thì để giải quyết khoản âm của các công ty lâm nghiệp hiện nay trong quá trình giải thể, không còn cách nào khác là tỉnh phải sử dụng tiền ngân sách để bù vào khoản hụt sau cân đối.

Để công tác giải thể thực hiện đúng kế hoạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính xây dựng kế hoạch chi tiết để phối hợp với HĐGT, các bên liên quan về phương án tài chính, phương án rừng và đất rừng. Các đơn vị tham mưu, thực hiện phải thường xuyên báo cáo tiến độ, khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án xử lý theo tinh thần "vướng ở đâu phải xử lý ngay ở đấy", không để tình trạng dây dưa, kéo dài, phát sinh thêm những bất cập khác như thời gian qua.   

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải thể các công ty lâm nghiệp: Vẫn phải nhờ vào "bầu sữa" của nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO