Gian lận thương mại: Cần những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn

Lê Dung| 03/09/2017 10:12

Mặc dù được các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, nhưng thời gian qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Trong khi đó, công tác xử lý vi phạm lại đang gặp khó, cần những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thì trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, xử lý được 1.570 vụ vi phạm về gian lận thương mại, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 10,1 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng tiến hành xử lý vi phạm về nguồn gỗ không rõ hóa đơn, chứng từ

Vi phạm nhiều, ngày càng tinh vi...

Hiện nay, hoạt động gian lận thương mại trên địa bàn đang diễn ra ở nhiều hình thức, nhiều lĩnh vực khác nhau. Thủ đoạn được các đối tượng sử dụng cũng hết sức tinh vi.

Đơn cử như ở lĩnh vực đo lường chất lượng và hoạt động kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý được 417 vụ vi phạm. Trong đó, các vụ vi phạm thường tập trung về những loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ như: Rượu, bếp ga, mỹ phẩm, điện thoại di động…

Hay như ở lĩnh vực chống thất thu thuế, Cục thuế tỉnh đã kiểm tra, xử lý được 392 vụ, thu nộp ngân sách gần 6,5 tỷ đồng, với các vi phạm chủ yếu về khai sai, khai thiếu tiền thuế, làm mất hóa đơn, hoạch toán không đúng, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn…

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thì các vụ vi phạm diễn ra nhiều là do hiện nay, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để trà trộn hàng hóa vào thị trường nội địa. Trong đó, các đối tượng thường “nhắm” tới các mặt hàng có sức tiêu thụ lớn và thường xuyên của người dân như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu và một số mặt hàng tiêu dùng khác… Điều này không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng, mà uy tín, thương  hiệu của các doanh nghiệp sản xuất chân chính trong nước cũng bị “xáo trộn”.

Trong khi đó, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả qua khu vực biên giới đang ngày một phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng sơ hở của lực lượng chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý bảo vệ biên giới, để khai thác, mua bán, vận chuyển hàng hóa trái phép.

ADQuảng cáo

Các đối tượng thường sử dụng những thủ đoạn như xé lẻ hàng hóa, cất giấu chung với các hàng hóa khác, cất giấu trong hành lý, trà trộn hàng giả, hàng nhái với hàng chính hãng qua các cửa khẩu, lấy danh nghĩa hàng xách tay để tiêu thụ trong thị trường nội địa. Chúng thay đổi biển số xe, thay đổi cung đường vận chuyển, cất giấu trên các chuyến xe chở khách, xe tải, xe taxi, xe du lịch… để qua mặt cơ quan chức năng… Chính vì vậy, các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này cũng hết sức khó khăn, phức tạp.

Bất cập trong xử lý

Theo Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thì số vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được phát hiện ngày một nhiều, nhưng việc xử lý lại có nhiều bất cập.

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn thiếu sự đồng bộ và thống nhất. Trong khi việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung lại rất chậm. Cụ thể như trong luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 được Quốc hội ban hành vào ngày 1/7/2013 đã không quy định cấp trưởng giao quyền cho cấp phó, để thực hiện thẩm quyền một số biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính về tạm giữ tang vật, phương tiện, chứng chỉ hành nghề… Do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, lực lượng chức năng gặp không ít những trở ngại.

Một số nghị định quy định về thẩm quyền xử phạt lại khá chung chung. Các nghị định không quy định rõ người có thẩm quyền xử phạt thuộc cơ quan nào, tại điều, khoản nào trong nghị định, dễ gây nhầm lẫn trong quá trình xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính…

Bên cạnh đó, thời gian qua, công cụ để hỗ trợ cho công tác kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại lại chưa được đầy đủ. Đặc biệt là ở những sản phẩm đòi hỏi phải có máy móc, thiết bị chuyên ngành về đo lường chất lượng xăng dầu và kiểm tra phân bón. Hay như các bộ test về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không đủ tính pháp lý cho việc xử lý vi phạm hành chính, nếu có kết quả vi phạm.

Quy định bất cập là vậy, trong khi công tác phối hợp xây dựng kế hoạch và chế độ báo cáo của các thành viên trong Ban Chỉ đạo 389/ĐP lại chưa được thực hiện nghiêm túc. Một số đơn vị có thực hiện, nhưng không đúng về biểu mẫu, thời gian theo yêu cầu, số liệu thống kê lại thiếu chính xác, chất lượng nội dung báo cáo chưa cao.

Thậm chí một số đơn vị thành viên của Ban đã không xây dựng kế hoạch hoạt động như: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT, Cục Thuế tỉnh… Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc tổng hợp các vi phạm và tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về các giải pháp xử lý vi phạm hiệu quả…

Cũng theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đắk Nông thì những bất cập trên mới đây đã được đơn vị đề xuất, kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền xem xét, trình Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai các đợt tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhằm trang bị thêm kiến thức, nghiệp vụ cho các cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ; đồng thời, đề xuất cấp thêm công cụ hỗ trợ, trang thiết bị cần thiết cho lực lượng chuyên trách, giúp cho công tác xử lý vi phạm ngày một hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian lận thương mại: Cần những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO