Giống chất lượng - yếu tố hàng đầu của nông nghiệp

Hồng Thoan| 20/09/2022 08:27

Những năm qua, tỉnh Đắk Nông ngày càng chú trọng hơn đến khâu giống cây trồng, vật nuôi. Tỉnh coi đây là động lực để phát triển bền vững nền nông nghiệp chất lượng cao.

ADQuảng cáo

Hằng năm, gia đình chị Lê Thị Hạnh, thôn 13, xã Đắk D’rông (Cư Jút) có gần 2 ha đất trồng các loại cây ngắn ngày. Trong 3 năm gần đây, gia đình đều có thu nhập khá từ việc trồng đậu nành.

Gia đình liên kết với doanh nghiệp để sản xuất đậu nành. Toàn bộ sản phẩm đậu nành của gia đình chị đều được doanh nghiệp thu mua với mức giá ổn định khoảng 18.000 đồng/kg.

Theo chị Hạnh, trung bình năng suất đậu nành đạt khoảng 3 tấn/ha/vụ, cao hơn khoảng 1 tấn so với trước. Đạt được năng suất cao như vậy là do chị được cung cấp nguồn giống đậu nành chất lượng tốt.

Giống đậu nành chị sử dụng những năm qua có nhiều ưu điểm như năng suất cao, kháng sâu bệnh, chịu hạn tốt. Nguồn giống này, mỗi vụ, gia đình đều được phía công ty liên kết cung cấp. Công ty cũng hướng dẫn cụ thể về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch đậu nành.

Giống đậu nành Vinasoy 02-NS được nghiên cứu, khảo nghiệm thành công ở Cư Jút

Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư Jút, ngành Nông nghiệp huyện đã tích cực phối hợp với Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy nghiên cứu, khảo nghiệm giống đậu nành tại địa bàn.

Qua nghiên cứu, Công ty đã cho ra đời nhiều bộ gen quý của cây đậu nành. Trong đó, giống đậu nành Vinasoy 02-NS đã được Bộ NN-PTNT cấp phép lưu hành toàn quốc.

Giống đậu nành Vinasoy 02-NS do Công ty nghiên cứu, giới thiệu, khảo nghiệm thành công ở Cư Jút. Hiện người dân Cư Jút đã, đang sản xuất khoảng 1.000 ha giống đậu nành mới này và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo Sở NN-PTNT, những năm gần đây, vấn đề giống luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm để phục vụ các mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

ADQuảng cáo

Trong đó, cùng với sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan, tỉnh đã thu hút, hợp tác với các doanh nghiệp, viện khoa học nhằm nghiên cứu, bảo tồn, chọn tạo, sản xuất các loại giống chất lượng cao.

Nhiều giống mới cây trồng, vật nuôi của tỉnh đã chứng minh được hiệu quả thực tiễn như cà phê TRS1, TR9; cà phê dây Thuận An; hồ tiêu Vĩnh Linh; bò lai; cá lăng; đậu nành; bắp lai…

Diện tích trồng đậu nành ở Cư Jút đạt khoảng 1.000 ha mỗi năm

Nguồn giống chất lượng cao đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho người dân. Trong đó, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác của tỉnh hiện nay được nâng lên 90 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết, UBND tỉnh đã triển khai Chương trình phát triển, nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2020-2030.

Đắk Nông coi đây là một bước đột phá nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Tỉnh đặt mục tiêu sản xuất thành công các loại giống bảo đảm năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Hiện nay, Đắk Nông đang bảo tồn, lưu giữ nhiều nguồn gen quý của cây trồng, vật nuôi thuộc bản địa, đặc hữu, đặc sản, quý hiếm, giá trị kinh tế cao. Đây là cơ sở để tỉnh sản xuất các loại giống tốt.

Cụ thể, đối với cây nông nghiệp, tỉnh đang lưu giữ gen quý của cây sầu riêng địa phương, bơ sáp vàng địa phương. Một số giống cây trồng của các dân tộc thiểu số, bản địa như rau bép, lúa cạn, giống bầu hồ lô, cà xanh, dưa leo, một số cây thảo dược quý hiếm cũng đang được tỉnh bảo tồn.

Đối với vật nuôi, tỉnh bảo tồn, phát triển giống heo đen đồng bào, gà tre, gà địa phương. Lĩnh vực thủy sản, tỉnh chú trọng một số loại cá đặc sản như: mõm trâu, cá lăng; cá bò...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giống chất lượng - yếu tố hàng đầu của nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO