Giúp nông dân trở thành “chuyên gia” nông nghiệp

Văn Tâm| 23/04/2018 11:07

Với mục tiêu nâng cao nhận thức trong việc phát triển cây cà phê bền vững, những năm qua, nông dân tại những vùng sản xuất cà phê lớn trong tỉnh Đắk Nông đã được tiếp cận với phương pháp khuyến nông kiểu mới với các lớp tập huấn đầu bờ (FFS).

ADQuảng cáo

Hướng dẫn nông dân cách nhận biết nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê qua các dấu hiệu trên lá

Trên thực tế, phương pháp khuyến nông FFS đã được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1992, với sự tài trợ của FAO, và mang lại những kết quả thiết thực. Đến chương trình FFS trên cây cà phê, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam tỉnh Đắk Nông (Dự án VnSat Đắk Nông) tiếp tục triển khai thực hiện trên cơ sở kế thừa điểm tích cực và có thêm nhiều cách làm mới, được người trồng cà phê trong tỉnh ủng hộ.

Theo ông Phạm Hùng Vỹ, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSat Đắk Nông, năm 2017, các đơn vị phối hợp như: Chi cục Trồng trọt - BVTV, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và Môi trường Tây Nguyên… đã triển khai được 22 lớp tập huấn FFS về sản xuất cà phê bền vững cho tổng cộng 1.095 lượt hộ nông dân; thành lập được 10 mô hình trình diễn về sản xuất cà phê bền vững, tổng diện tích các mô hình là 10 ha. Dự án cũng đã triển khai được 28 lớp tập huấn tái canh cà phê bền vững, cho 1.038 hộ nông dân tham gia học tập, xây dựng được 7 mô hình trình diễn, với diện tích thực hiện mô hình là 3,5 ha.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức cho người nông dân, giảm lượng thuốc trừ sâu và phân bón sử dụng trên vườn rẫy, gắn với xây dựng hệ canh tác bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, các lớp tập huấn FFS đang tham gia vào việc điều chỉnh quá trình sản xuất của bà con. Ông Trần Văn Đông, ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho biết: Không như những lớp tập huấn trước đây, thường tổ chức tại hội trường, bà con thụ động ngồi nghe, các lớp tập huấn FFS được tổ chức trong nhà lẫn ngoài đồng ruộng nên chúng tôi vừa tiếp thu lý thuyết vừa có thể trao đổi, thực hành ngay các bài đã học.

ADQuảng cáo

Còn theo ông Nguyễn Thanh Hùng, ở xã Đức Mạnh (Đắk Mil) thì việc học tập tại hiện trường giúp bà con khám phá, so sánh và lựa chọn kỹ thuật hay công nghệ phù hợp với điều kiện gia đình và thổ nhưỡng của địa phương. Hình thức tập huấn mang tính “cộng hưởng” giữa giảng viên và nông dân giúp bà con mạnh dạn chia sẻ, phát huy tính chủ động, không còn rụt rè, e ngại như trong các lớp đào tạo thông thường. Một ưu điểm nữa là các lớp tập huấn vừa cung cấp nâng cao kiến thức, vừa dựa trên kinh nghiệm có sẵn của bà con. Nông dân được huấn luyện và thực hành trên mô hình cà phê trình diễn và nắm được các nguyên tắc cơ bản về sản xuất và thực hành tái canh cà phê.

Nông dân thực hành biện pháp ghép chồi tái canh cà phê ngay tại vườn rẫy

Cũng theo ông Phạm Hùng Vỹ, các lớp tập huấn được các đơn vị tổ chức tại các hội trường của thôn, tổ dân phố của các xã, phường nên thu hút được nhiều nông dân tham gia. Phần lý thuyết được thiết kế sinh động, dễ hiểu, với phương pháp lấy học viên làm trung tâm, người nông dân được đặt trước các tình huống, câu hỏi về kỹ thuật canh tác cà phê hay biện pháp quản lý, phát hiện từng loại sâu bệnh và được giảng viên giải đáp từng vấn đề cụ thể. Phần thực hành được các giảng viên nhiều kinh nghiệm hướng dẫn về cách ghép, chăm sóc cà phê hay phát hiện các loại bệnh hại được người dân vô cùng phấn khích khi học tại vườn cây cà phê.

Ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật, cho hay: Điểm mới của tập huấn FFS đó là trước khi triển khai đều thăm dò nhu cầu của người dân để tổ chức. Bởi ở nhiều địa phương, có khá nhiều hộ có nhu cầu về tái canh, ngược lại những vùng phía Nam của tỉnh, diện tích cà phê đang giai đoạn kinh doanh lớn nên bà con tập trung vào sản xuất. Do đó, chúng tôi dựa vào nhu cầu của người dân để mở lớp tập huấn FFS.

Cũng theo ông Khải, điểm khác nữa của tập huấn FFS là kéo dài trong vòng 3 ngày so với một buổi như trước đây nên bà con có thời gian để học lý thuyết và thực hành ngoài hiện trường. Nhờ vậy, nông dân có thắc mắc, phản hồi điều gì thì trao đổi ngay, đồng thời cán bộ kỹ thuật có thể tiếp thu những kinh nghiệm hay từ bà con nông dân. Điều quan trọng là sau các lớp FFS, nhiều nông dân đã trở thành "chuyên gia" trên chính vườn rẫy của mình thông qua các lớp đào tạo nông dân nòng cốt (TOT). Họ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhiều nông dân khác thực hiện chương trình quản lý dịch hại trên vườn cà phê để đạt được những kết quả tích cực.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp nông dân trở thành “chuyên gia” nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO