Gỡ khó để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư

Nguyễn Lương| 01/09/2022 04:02

Tính đến hết tháng 7/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại Đắk Nông mới chỉ thực hiện được 1.038 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch Trung ương và 37,3% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao. Nguồn vốn giải ngân chậm là do nhiều nguyên nhân, trong đó, giải phóng mặt bằng là một trong những “rào cản” lớn nhất.

ADQuảng cáo

Ì ạch tại nhiều công trình trọng điểm

Năm 2022, trong tổng số 6 công trình trọng điểm trên địa bàn thì đa phần là các công trình mở mới. Đến thời điểm này, tiến độ giải ngân tại những dự án này rất chậm. Dự án Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa là một ví dụ.

Dự án được HĐND tỉnh phê duyệt ngày 20/8/2021, với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng. Quy mô đầu tư dự án 19,3 ha, thời gian thực hiện từ 2022-2025. Trong năm 2022, dự kiến nhu cầu vốn để khởi công, xây dựng công trình và giải ngân là 100 tỷ đồng.

Theo tiến độ, đến nay, dự án chậm so với kế hoạch được UBND tỉnh giao khoảng 2 tháng. Nguyên nhân chính là do công tác giải phóng mặt bằng. Theo Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Đỗ Tấn Sương, tổng số hộ bị ảnh hưởng dự án là 212 hộ. Đến nay, địa phương mới thực hiện phần lõi của Quảng trường, với 111 cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng.

Dự án Quảng trường Trung tâm TP. Gia Nghĩa chậm tiến độ vì vướng giải phóng mặt bằng

Cùng với giải phóng mặt bằng, việc thực hiện, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết, cấp giấy phép môi trường bị kéo dài, không rút ngắn như kế hoạch đã dự kiến.

Liên quan đến dự án này, tại cuộc họp nghe các sở, ngành, địa phương báo cáo về tình hình phân bổ, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 diễn ra ngày 10/8, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh, bằng mọi cách, đến 1/10/2022, TP. Gia Nghĩa phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công.

“TP. Gia Nghĩa tìm giải pháp thực sự, khó ở đâu, gỡ ở đó. Thẩm quyền của sở, ngành nào thì phải vào cuộc. Đơn vị nào không hoàn thành, địa phương báo cáo lãnh đạo tỉnh ngay”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười khẳng định.

Dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cũng là dự án trọng điểm của tỉnh được mở mới năm 2022. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt ngày 22/11/2021, với tổng mức đầu tư 753 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, giai đoạn 2021-2025. Năm 2022, dự án được bố trí 188 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân hơn 5,3 tỷ đồng.

Hiện nay, Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng tỉnh đã tổ chức thành lập, hoàn thành công tác thiết kế bản vẽ, dự toán. Đơn vị tư vấn đã tổ chức thẩm tra thiết kế, dự toán. Tuy nhiên, so với kế hoạch, dự án chậm tiến độ khoảng 2 tháng.

Nguyên nhân, do đây là dự án lớn, có nhiều hạng mục đầu tư với khối lượng lớn nên việc triển khai thiết kế chi tiết, tổ chức kiểm tra, thẩm tra thiết kế chậm so với kế hoạch. Công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá thiết bị y tế làm cơ sở lập dự toán xây dựng công trình cũng gặp nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo

Nhiều công trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công

Khó chỗ nào, tập trung gỡ chỗ đó

Theo ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở KHĐT, hiện nay, cái vướng lớn nhất trong giải ngân vốn là thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. “Việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng của UBND các huyện, thành phố còn nhiều vướng mắc, chưa bàn giao kịp thời mặt bằng cho chủ đầu tư thi công”, ông Ninh khẳng định.

Cũng theo ông Ninh, Sở KHĐT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn này. Tỉnh sẽ kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông cho hay, năm 2022, đơn vị thực hiện điều chuyển 100 tỷ đồng các dự án ngừng, chậm triển khai sang cho dự án khác. Qua rà soát, các công trình, dự án có khả năng hấp thụ vốn tốt khoảng 180 tỷ đồng.

“Chúng tôi rà soát chặt chẽ để chủ động, linh hoạt trong triển khai. Đối với những công trình hoàn thiện, đơn vị phối hợp nhà thầu tập trung nguồn lực triển khai”, ông Nghĩa cho biết.

Cũng theo ông Nghĩa, để công tác giải ngân vốn đạt cao vào cuối năm, cần quyết tâm vào cuộc của các sở, ngành. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là giải quyết các nội dung công việc đến kết quả cuối cùng. Tránh tình trạng văn bản ban hành, tổ chức họp hành nhiều nhưng không giải quyết thấu đáo, kéo dài thời gian.

Theo ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở KHĐT, về phía đơn vị thường xuyên đôn đốc, giám sát, báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc. Các chủ đầu tư phải theo dõi, đôn đốc các đơn vị thi công tăng ca, tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công. Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần vào cuộc quyết liệt, trực tiếp kiểm tra các dự án. Trực tiếp gặp dân, tổ chức đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân.

Tại cuộc họp nghe các sở, ngành, địa phương báo cáo về tình hình phân bổ, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 diễn ra ngày 10/8, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh, bằng mọi cách phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư. "Đối với các công trình, dự án trọng điểm, khó chỗ nào, các đơn vị ngồi lại bàn bạc với nhau gỡ chỗ đó. Vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào, cấp đó giải quyết kịp thời", Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ giao các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành trực tiếp phụ trách từ 1 đến 2 công trình, dự án. Sau khi được phân công, mỗi người trực tiếp theo dõi, đôn đốc và chịu trách nhiệm về tiến độ từng dự án.

UBND tỉnh Đắk Nông sẽ cắt giảm kế hoạch vốn năm 2022 của các dự án triển khai thực hiện chậm tiến độ, chậm giải ngân theo nguyên tắc: Đối với các dự án khởi công mới, nếu đến hết tháng 9/2022 tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới 60%; đến hết tháng 10/2022 tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới 70% sẽ bị cắt giảm vốn để bổ sung cho các dự án khác. Đối với dự án chuyển tiếp đến hết tháng 6/2022, tỷ lệ giải ngân đạt dưới 80% kế hoạch thì cắt giảm vốn để bổ sung cho các dự án có nhu cầu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO