Gỡ “vướng” trong xác nhận tài sản trên đất để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

Lương Nguyên| 14/08/2017 10:43

Thời gian qua do việc triển khai thiếu đồng bộ trong quy định thế chấp vay vốn và cấp giấy chứng nhận tài sản trên đất nên khiến nhiều doanh nghiệp có tài sản trên đất trị giá hàng tỷ đồng nhưng vẫn không thể thế chấp để vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

ADQuảng cáo

Để hạn chế rủi ro trong quá trình vay vốn, giữa năm 2016, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư Liên tịch số 09, trong đó nêu rõ, các tổ chức, cá nhân vay vốn tín dụng cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận tài sản trên đất để thế chấp. Quy định đã đưa ra nhưng việc cấp giấy chứng nhận tài sản trên đất hiện vẫn gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến rất ít doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại.

Nhiều trụ sở, nhà xưởng của doanh nghiệp xây dựng khang trang nhưng chưa xác nhận được quyền sở hữu tài sản trên đất nên không có giá trị thế chấp tại ngân hàng

Doanh nghiệp kêu... "khổ"

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có gần 550 doanh nghiệp được vay vốn tại các ngân hàng thương mại, với tổng dư nợ hơn 2.500 tỷ đồng. Con số này chỉ chiếm 13,35% so với tổng dư nợ trên toàn địa bàn. Việc các doanh nghiệp ít tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, một lý do phổ biến mà hiện nay các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục vay vốn đó là việc xác nhận giá trị tài sản trên đất gặp nhiều khó khăn.

Tại hội nghị đối thoại ngân hàng và doanh nghiệp diễn ra mới đây, đa phần doanh nghiệp tham gia có ý kiến đều “kêu khó” trong quá trình hoàn thiện thủ tục này. Tài sản sở hữu chưa được xác nhận, trong khi, về phía ngân hàng thương mại bắt buộc phải có giấy chứng nhận tài sản trên đất mới “mạnh tay” giải ngân những hợp đồng lớn. Chính điều này, vô hình trung đẩy nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh “khóc dở, mếu dở”.

Theo ông Trần Anh Lợi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thành Lợi Đắk Nông (Krông Nô) thì để xây dựng nhà xưởng, cũng như nhiều tài sản khác phục phụ sản xuất, công ty đã bỏ ra gần 10 tỷ đồng. Hiện tại, đơn vị rất cần nguồn vốn để thu mua nguồn nguyên liệu từ người dân. Thời gian qua, chúng tôi đã “gõ cửa” nhiều ngân hàng, nhưng vẫn chưa nhận được cái “gật đầu” nào, vì chưa có xác nhận giá trị tài sản trên đất. Để hoàn thành thủ tục này bổ sung vào hồ sơ vay vốn, đơn vị đã gửi tất cả hồ sơ lên Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết, nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn tất. Trong khi, hiện nay, đơn vị rất cần nguồn vốn để xoay vòng, thu mua nguyên liệu nên đang “tiến thoái lưỡng nan”.

Cùng chung quan điểm, ông Đinh Xuân Thu, Giám đốc Công ty Trang trại Xanh Thu Thủy (Đắk Song) chia sẻ: “Đơn vị chúng tôi đang có hướng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao nên cần số vốn lớn. Cái khó nhất mà hiện nay doanh nghiệp gặp phải là vấn đề tài sản thế chấp, nhất là tài sản hình thành trong quá trình đầu tư. Đăng ký tài sản trên đất còn chậm do thủ tục, dẫn đến việc vay vốn, giải ngân vốn của ngân hàng thương mại dành cho doanh nghiệp gặp trở ngại”.

ADQuảng cáo

Việc chậm cấp giấy chứng nhận tài sản trên đất khiến các giao dịch bảo đảm vay vốn tại ngân hàng gặp khó khăn. Điều này đã gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị. Tại hội nghị đối thoại ngân hàng và doanh nghiệp mới đây, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết nhanh gọn quá trình làm hồ sơ, thủ thục ở lĩnh vực này.

Ông Đinh Văn Chuyên, Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Sản xuất, chế biến Bông Lúa Việt (Krông Nô) phân trần: “Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà không chứng nhận được quyền sở hữu tài sản trên đất thì mức vốn vay mà ngân hàng giải ngân rất ít, không "thấm" vào đâu so với nhu cầu vốn đầu tư của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, UBND tỉnh cần có giải pháp quyết liệt để đốc thúc đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục. Làm như vậy, địa phương mới có thể giúp doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng, nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh”.

Cơ quan chức năng bảo "vướng"

Doanh nghiệp trong tình trạng "bí", còn về phía ngành chức năng lại cho rằng quá trình thực hiện quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản hiện đang rất "vướng". Theo đại diện của Văn phòng Đăng ký Đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) thì theo quy định tại luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43 của Chính phủ, đối tượng có nhu cầu cấp giấy chứng nhận tài sản trên đất phải có giấy phép xây dựng, xác nhận hiện trạng công trình phù hợp với quy hoạch và bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, khi cơ quan chuyên môn thẩm định, đo đạc hiện trạng, phát hiện nhiều công trình xây dựng vượt diện tích đất ở được giao. Nhiều doanh nghiệp xây dựng công trình không đúng vị trí, quy mô, sai giấy phép nên chưa được cấp giấy chứng nhận tài sản.

Một số đơn vị chuyển quyền sử dụng đất ở, nhưng trong hợp đồng không xác nhận chuyển nhượng tài sản nên cơ quan chức năng mất thời gian thẩm tra hiện trạng. Thậm chí, có trường hợp không tìm thấy chủ sử dụng đất ban đầu nên không thiết lập được cam kết chuyển quyền sử dụng tài sản nên khó cấp giấy. Vì thế, mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất cho các tổ chức, cá nhân còn thấp.

Nói về giải pháp tháo gỡ những vướng mắc này, ông Đàm Quang Trung, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất. Các phòng, ban chuyên môn, đơn vị liên quan đã phối hợp, tạo điều kiện cho công dân được làm thủ tục cấp giấy chứng nhận tài sản trên đất, không kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Sở đã giao cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ địa chính các cấp; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng nhà ở của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Rõ ràng, nhiều “rào cản” trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc xác nhận tài sản trên đất đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Trước thực trạng này, các ngành chức năng của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với nhau, từ đó, có những hướng dẫn cụ thể, nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ “vướng” trong xác nhận tài sản trên đất để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO