Hạ tầng Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An chưa hoàn thiện, gây khó cho hoạt động sản xuất doanh nghiệp

Phan Tuấn| 14/04/2020 06:21

Sau nhiều năm đi vào hoạt động, Cụm công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp Thuận An (Đắk Mil) vẫn chưa được đầu tư, hoàn thiện các hạng mục hạ tầng thiết yếu như hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, điện, đường, mương thoát nước… Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp...

ADQuảng cáo

Đơn cử như Công ty TNHH Nam Thắng Đắk Nông là một trong những doanh nghiệp chế biến đá xây dựng với quy mô lớn tại Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp Thuận An (gọi tắt là Cụm Công nghiệp). Đặc thù ngành nghề của công ty cần nguồn nước lớn để hoạt động. Thế nhưng, do Cụm Công nghiệp không có hệ thống cấp nước, nên Công ty buộc phải khoan giếng, tự lo nguồn nước để hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, vì thực tế việc sản xuất của đơn vị vẫn hết sức khó khăn vì thiếu nước.

Hạ tầng giao thông Cụm Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp Thuận An chưa được đầu tư hoàn thiện, gây khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp

Hiện nay, hệ thống điện tại Cụm Công nghiệp chưa được hoàn thiện, chưa có đường dây riêng, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Bởi vì ở đây thường xuyên rơi vào tình trạng bị cúp điện để duy tu, bão dưỡng đường dây điện.

Theo Trần Hữu Hạnh, Giám đốc Trung tâm phát triển Cụm Công nghiệp Thuận An, tính đến nay, Cụm Công nghiệp đã thu hút được 17 nhà đầu tư thuê đất, với tổng diện tích là 16,29 (đạt tỷ lệ lấp đầy 93,7%), với tổng số vốn đầu tư là hơn 300 tỷ đồng. Dù số lượng doanh nghiệp đầu tư đã nhiều, nhưng hiện nay, mặt đường Cụm Công nghiệp vẫn chưa được đầu tư, hoàn thiện. Hệ thống thoát nước mặt tại đây cũng chưa có, nên nước mưa chảy tràn vào nhà máy, khu dân cư, gây xói lở đường sá, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, doanh nghiệp. Vào mùa mưa, đường sá ở đây lầy lội, mùa nắng thì bụi bặm, rất mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa. Mặt khác, hệ thống xử nước thải cũng chưa được đầu tư đã làm tăng thêm "gánh nặng" xử lý môi trường cho doanh nghiệp. "Điều này cũng đã làm ảnh hưởng đến công tác đầu tư, đặc biệt là việc thu hút những dự án có tiềm năng vào đây", ông Hạnh cho biết.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Vũ Phước Trọng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nam Thắng Đắk Nông chia sẻ: Trung bình mỗi ngày, đơn vị cưa xẻ với sản lượng khoảng 8m3 đá. Trong đó, phế liệu (chiếm khoảng 40%) đơn vị phải chở về lại mỏ đá để giải quyết vấn đề rác thải. Từ khi đi vào hoạt động, đơn vị đã khoan 5 giếng nước ngầm. Thế nhưng, đến thời điểm này, chỉ còn 2 giếng nước còn hoạt động, 3 giếng đã cạn nước. Do đó, đơn vị phải dùng xe bồn đi lấy nước ở hồ Tây Đắk Mil đưa về để triển khai sản xuất.

Theo UBND huyện Đắk Mil, năm 2009, Cụm Công nghiệp Thuận An được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt đầu tư với quy mô tổng thể 52,2 ha, tổng mức đầu tư 82,652 tỷ đồng. Đến nay, kết cấu hạ tầng tại Cụm Công nghiệp mới triển khai giai đoạn 1 là 24,9 ha, với tổng kinh phí phê duyệt khai là 32,181 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, số vốn đã bố trí đầu tư xây dựng thực tế mới là 27,391 tỷ đồng.

Do chưa được bố trí vốn đầy đủ, nên vẫn còn rất nhiều hạng mục tại Cụm Công nghiệp chưa được đầu tư, hoàn thiện như: Hạ tầng giai đoạn 1; hệ thống giao thông còn lại; đền bù giải phóng mặt bằng, san nền; hệ thống thoát cấp nước; hệ thống thoát mưa, nước thải; cấp điện; tường rào; cây xanh… với tổng số vốn dự kiến 180 tỷ đồng.

Trước những khó khăn về kinh phí, mới đây UBND huyện Đắk Mil đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về nguồn vốn để đầu tư xây dựng các hạng mục thiết yếu hạ tầng kỹ thuật tại Cụm Công nghiệp Thuận An, tạo điều kiện thu hút hơn nữa doanh nghiệp vào đầu tư.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạ tầng Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An chưa hoàn thiện, gây khó cho hoạt động sản xuất doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO