Hạ tầng thương mại ngày càng phát triển đồng bộ, văn minh, hiện đại

Lê Dung| 26/07/2018 09:45

Cùng với hệ thống chợ, sự xuất hiện ngày càng nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã và đang từng bước đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây được xem là minh chứng cho bước phát triển mới của hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh hiện nay.

ADQuảng cáo

Mở rộng kênh mua sắm hiện đại

Hiện nay, mạng lưới kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh ngày càng được phát triển, mở rộng xuống tận cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hàng hóa phong phú, đa dạng, giá cả luôn được ổn định, giúp người dân yên tâm mua sắm.

Hệ thống các chợ được hình thành đã tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương, nhất là các chợ xã, chợ liên xã. Đến nay, toàn tỉnh có 45 chợ đang hoạt động, phân bổ đều tại 41 xã, trung tâm cụm xã, phường, thị trấn. Hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn cũng đang từng bước được đầu tư cải tạo, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Hàng hóa tại các cửa hàng tiện lợi phong phú, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giúp người dân yên tâm khi mua sắm

Ví dụ như chợ Gia Nghĩa, hiện chủ đầu tư đã xây dựng xong khu vực chợ vòm và đang phối hợp với UBND thị xã đưa các hộ tiểu thương chợ vòm cũ đến kinh doanh tại chợ mới. Dự kiến, đầu quý III/2018 sẽ đưa chợ vòm mới đi vào hoạt động… Bên cạnh đó, thời gian qua, các ngành, địa phương của tỉnh cũng đã tập trung phát triển thêm các kênh phân phối hiện đại, văn minh như siêu thị, trung tâm thương mại, giúp người dân tiếp cận, lựa chọn và mua sắm các mặt hàng chất lượng cao.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 Trung tâm thương mại Kiến Đức (Đắk R’lấp), 1 Siêu thị hạng III tại thị xã Gia Nghĩa và 1 Trung tâm phức hợp tại huyện Cư Jút. Riêng Trung tâm thương mại Kiến Đức đã hoàn thành giai đoạn 1, hoạt động theo tiêu chuẩn tương đương siêu thị hạng 2. Dự án hiện đang triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2 theo mô hình trung tâm thương mại hạng 3.

Theo kế hoạch, trong quý III/2018, dự án sẽ hoàn thiện, đưa vào sử dụng… Ngoài ra, tại các xã, thị trấn, hàng loạt cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tự chọn… cũng đã sớm ra đời, đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Huấn, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực TP. Hồ Chí Minh - Foodcomart Đắk Nông (Đắk R’lấp) thì mặt hàng phục vụ người dân tại cửa hàng rất đa dạng. Hầu hết sản phẩm được nhập về đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. “Đầu vào” được chọn lựa kỹ càng nên người dân hoàn toàn yên tâm khi đến đây mua sắm. Hơn nữa, tại cửa hàng có tới 96% là hàng Việt Nam nên cũng đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy hoạt động lưu thông hàng hóa, kích cầu tiêu dùng cho các nhà sản xuất trong và ngoài tỉnh...

ADQuảng cáo

Góp phần bình ổn thị trường

Theo Sở Công thương, với sự đầu tư bài bản, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… đã và đang góp phần rất lớn trong việc bình ổn giá cả thị trường và hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng tràn vào địa phương.

Thực tế, sự xuất hiện của các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại trong những năm gần đây đã giúp cho giá bán của nhiều mặt hàng trên địa bàn tỉnh được “hạ nhiệt” rõ rệt. Theo đó, để cạnh tranh với các siêu thị, trung tâm thương mại mới, một số nhà phân phối, đại lý đã chủ động giảm lợi nhuận, tạo ra mặt bằng giá có lợi cho người tiêu dùng.  Việc nhiều hệ thống bán lẻ hiện đại đầu tư vào thị trường của tỉnh cũng đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất của doanh nghiệp địa phương.

Nhiều đơn vị đã sớm nhạy bén thị trường, xây dựng kế hoạch mở rộng sản xuất, đầu tư cải tiến máy móc, nâng cao chất lượng hàng hóa để từng bước đưa sản phẩm của mình vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại… Đặc biệt, việc ra đời của hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được sử dụng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tiếp cận thuận lợi với dịch vụ tiện ích và thay đổi thói quen mua sắm.

Hệ thống các kênh mua sắm hiện đại ngày càng phát triển

Chị Nguyễn Thị Hằng, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) chia sẻ: “Trước đây mua hàng, tôi thường tiện đâu mua đấy, nhưng giờ chủ yếu mua tại các siêu thị hoặc hệ thống cửa hàng tiện lợi, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm. Bởi mua hàng tại những địa điểm mới này có rất nhiều cái được. Một phần vì giá cả không đắt hơn so với cửa hàng tạp hóa bên ngoài là bao, nhưng rất yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Hàng hóa lại đa dạng nên khá thuận tiện khi mua sắm, không phải cất công đi lại nhiều nơi”…

Được biết, cùng với sự ra đời của các kênh bán lẻ hiện đại, thời gian qua, ngành Công thương cũng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và điều hành các giải pháp bình ổn giá trên địa bàn. Mục tiêu giai đoạn 2019-2020, toàn tỉnh phấn đấu tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 33.821 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 10%/năm.

Vì vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia vào phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ; đồng thời, tập trung hoàn thiện hệ thống thương mại bán buôn, bán lẻ phù hợp với từng loại thị trường và huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi, liên kết thị trường và xúc tiến thương mại cũng sẽ được tỉnh tăng cường hơn nữa…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạ tầng thương mại ngày càng phát triển đồng bộ, văn minh, hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO