Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức

Thùy Dương| 14/11/2018 09:50

Chiều 12/11, với 100% đại biểu Quốc hội có mặt (469 đại biểu) biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP là thời điểm phù hợp, thể hiện cam kết chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

ADQuảng cáo

Dệt may là một trong những ngành hàng được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định CPTPP. Ảnh tư liệu

CPTPP mang lại nhiều lợi ích

CPTPP tạo ra một trong những thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới, trải dài cả 3 châu lục Á, Mỹ và Đại Dương với thị trường lên tới gần 500 triệu dân và GDP vào khoảng hơn 13.000 tỷ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu. Hiệp định CPTPP kế thừa toàn bộ cam kết mở cửa thị trường, đầu tư, mua sắm công của Hiệp định TPP trước đây. Hàng hóa xuất khẩu về cơ bản 100% dòng thuế sẽ giảm về 0%. Các nước tham gia CPTPP mở cửa cho Việt Nam và ngược lại, nhưng lộ trình thực hiện của Việt Nam tương đối dài hơn các nước khác và cơ bản là hướng tới quá trình mở cửa và cạnh tranh.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, những tác động tích cực của CPTPP tương đối toàn diện. Về mặt kinh tế, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Về mặt thể chế, việc tham gia CPTPP là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế. Về mặt xã hội, việc tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo.

ADQuảng cáo

Các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ CPTPP

Đó là các ngành, lĩnh vực: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… Đối với lĩnh vực công nghiệp, các nước tham gia CPTPP đang áp dụng mức thuế đối với sản phẩm công nghiệp trung bình là 1,9% nhưng khi tham gia Hiệp định CPTPP, thuế nhập khẩu ở các thị trường đối với hàng công nghiệp sẽ giảm về mức 0% theo lộ trình, có những nước dành cho Việt Nam trên 90% thuế về 0% ngay từ khi hiệp định có hiệu lực như Canada và Nhật Bản. Ngoài hàng rào thuế quan còn có hàng rào phi thuế quan, nhưng khi tham gia CPTPP, các nước sẽ có lợi thế tốt hơn, đặc biệt trong đấu tranh khi có một hàng rào thương mại được dựng lên hoặc những cân nhắc để vượt qua rào cản thương mại đó. Trong lĩnh vực nông nghiệp, lộ trình thực thi cam kết CPTPP sẽ kéo dài hơn, tập trung vào mặt hàng nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có lợi thế trong khi các nước tham gia CPTPP không có sản phẩm cùng loại.

Chủ động thực hiện các biện pháp

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, khuôn khổ hội nhập nào cũng đều hàm chứa những tác động tích cực và những điều ngược lại. Cũng như các quốc gia khác, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch quản lý nhà nước về phát triển thị trường. Hàng loạt lĩnh vực của Việt Nam, bao gồm truyền thống và phi truyền thống đều có các cam kết.

Về mặt thách thức khi tham gia CPTPP, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết từ thực tiễn hội nhập những năm trước đây, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay khi ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA), nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thực thi cam kết hội nhập gắn với nền kinh tế một cách chủ động thì tác động tiêu cực sẽ bị hạn chế. Đối với Hiệp định CPTPP, trước hết, chúng ta phải có một chương trình hành động mang tính tổng thể của đất nước, của nền kinh tế để chuẩn bị cho việc thực thi cam kết hội nhập. Yếu tố then chốt và quan trọng là rà soát khung khổ pháp lý, “luật hóa” cam kết hội nhập trong khuôn khổ hiệp định ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.

Chỉ còn gần 2 tháng nữa, hiệp định sẽ có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đầu tiên Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao làm thủ tục pháp lý thông báo với nước lưu chiểu là New Zealand để khẳng định việc phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam, nghĩa là thủ tục pháp lý của Việt Nam đã hoàn tất để cùng với các nước khác đưa Hiệp định vào hiệu lực. Thứ hai, công việc rất cần triển khai sớm là chủ trì xây dựng chương trình hành động của Chính phủ. Đây là điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và then chốt vì hiệp định còn rất ít thời gian sẽ có hiệu lực. Đây là hiệp định rất toàn diện, tác động mạnh đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước ta ngay trong năm 2019 tới. Vì vậy, việc tổ chức xây dựng chương trình hành động tổng thể cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân có ý nghĩa then chốt để các chủ thể có điều kiện triển khai hành động, khai thác các thời cơ, vượt qua thách thức.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO