Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Đưa lại nhiều lợi thế lớn đối với ngành hàng cà phê

Bình Minh| 04/07/2019 09:33

Theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cùng với gạo, thủy sản, gỗ, rau củ quả tươi chế biến, hoa tươi, mật ong… thì ngành hàng cà phê sẽ có nhiều lợi thế lớn xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU).

ADQuảng cáo

Công nhân Công ty CP Godere (Đắk Nông) phơi khô quả cà phê. Ảnh: Lê Phước

Hiệp định EVFTA đã được Việt Nam và EU ký kết vào ngày 30/6 và sẽ có hiệu lực thi hành từ năm 2020. Những ưu đãi về thuế quan của EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho nông sản Việt Nam, đặc biệt là cà phê khi tiếp cận, thâm nhập sâu hơn vào thị trường rộng lớn với 28 quốc gia thành viên EU. Nhưng đây cũng là một thị trường chất lượng cao, nếu cà phê Việt Nam không qua được cánh cửa tiêu chuẩn thì cơ hội đó sẽ sớm tuột khỏi tầm tay.

Với Hiệp định EVFTA, cà phê, hạt tiêu sẽ có 93% dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Với vị thế là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 thế giới, trong khi EU là một trong những thị trường lớn của cà phê Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU được dự báo sẽ tăng mạnh Hiệp định EVFTA có hiệu lực.  

Theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) thì EU là một trong những thị trường lớn của cà phê Việt Nam. Tính chung, các nước EU chiếm tới 39,5% tổng lượng xuất khẩu và 37,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Ông Vinh dự báo Hiệp định EVFTA sẽ giúp tăng giá trị cà phê xuất khẩu lên mức 5 - 6 tỷ USD trong 10-15 năm tới chứ không chỉ là 3,5 tỷ USD như hiện nay. Bên cạnh những nguồn lợi to lớn mà EVFTA mang lại, theo ông Vinh những thách thức mà ngành hàng cà phê phải đối mặt cũng không hề nhỏ, đặc biệt trong vấn đề  nâng cao chất lượng cà phê và  bảo đảm  an toàn thực phẩm. Vì thế, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê  phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về rào cản kỹ thuật cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm đã cam kết trong các FTA  nói chung và EVFTA nói riêng. Lãnh đạo Vicofa cho biết, trong vài năm qua, không có lô hàng nào mà EU phải trả về Việt Nam, điều này chứng tỏ chất lượng cà phê xuất khẩu đã được nâng cao, kim ngạch cũng đã có phần tăng lên.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên giá trị cà phê xuất khẩu vẫn còn thấp vì Việt Nam đang chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân thô. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp-PTNT, 90% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang dưới dạng thô khiến giá trị xuất khẩu thấp và bấp bênh. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam đang trở thành vấn đề bức thiết. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT đã có Quyết định số 4653/QĐ-BNN-KHCN về việc phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia "Cà phê Việt Nam chất lượng cao", giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đề xuất các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng đối với sản phẩm cà phê trên cả nước, ưu tiên cho các vùng chủ lực là Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, trung du miền núi phía Bắc đến năm 2020.

Đề án này đặt ra mục tiêu cụ thể nhằm phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu cà phê hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, có hệ thống sấy, kho bảo quản và nhà máy chế biến phù hợp với quy mô sản xuất. Đề án đưa ra mục tiêu nâng cao chuỗi thu nhập của người trồng cà phê trên đơn vị diện tích gieo trồng thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm cà phê: Đến năm 2020 tăng 5% và đến 2023 là 7% so với mức thu nhập bình quân niên vụ 2013-2014.

Hoạt động đóng gói sản phẩm cà phê bột tại Công ty TNHH MTV Cà phê bazan Đắk Nông. Ảnh: Lê Phước

Để tận dụng tối đa nguồn lợi mà EVFTA mang lại, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho rằng, cần có sự phối hợp và kết nối chặt chẽ không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau mà còn giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, làm gia tăng giá trị cà phê xuất khẩu. Đón đầu những tiềm năng, lợi thế mà hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này mang lại, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam đã có đề án phát triển ngành cà phê một cách bền vững và tăng giá trị gia tăng với hai mục tiêu quan trọng, trong đó có việc giữ vững vị thế của Việt Nam là một nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 thế giới.

Một điều có thể khẳng định, đó là dư địa giá trị gia tăng của ngành cà phê vào thị trường EU còn nhiều. Do vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh khâu chế biến sâu. Nông dân cũng phải chuyển hướng sang canh tác bền vững, đạt chứng nhận quốc tế; có sự phối hợp và kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà phân phối tại EU, từ đó làm gia tăng giá trị cà phê xuất khẩu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Đưa lại nhiều lợi thế lớn đối với ngành hàng cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO