Hiệu quả thâm canh cà phê dưới tán cây rừng

Đức Hùng| 21/12/2016 11:02

Chống xói mòn đất, giữ độ ẩm, chắn gió, tăng tỉ lệ đậu quả, giảm chi phí sản xuất thông qua việc giảm đợt tưới nước cho cà phê, đó là những lợi ích mang lại khi trồng cà phê dưới tán cây rừng.

ADQuảng cáo

Giảm chi phí, tăng thu nhập

Dưới cái nắng khá oi ả của buổi trưa mùa thu hoạch cà phê, chúng tôi vào vườn cà phê của gia đình bà Phan Thị Hồng Vinh, ở thôn Thuận Hạnh, xã Thuận An (Đắk Mil). Dưới tán cây keo cao hơn 7m, không khí dường như thay đổi hoàn toàn, mát mẻ, dễ chịu.

Rẫy cà phê của bà Vinh có 4.000 cây đã cho thu hoạch hơn 10 năm nay. Vườn cà phê nằm trên một mái đồi dốc thoai thoải, cứ 6 hàng cà phê bà Vinh lại trồng một hàng keo chạy theo rẫy. Toàn rẫy có khoảng gần 700 cây keo đã được trồng trên diện tích 4 ha cà phê.

Vườn cà phê dưới tán keo của gia đình bà Phan Thị Hồng Vinh, ở thôn Thuận Hạnh, xã Thuận An (Đắk Mil)

Bà Vinh cho biết: “Trồng cây keo, đất dốc không còn bị xói mòn, giữ được độ ẩm, cà phê đỡ héo vào mùa khô, chắn được gió vào mùa đậu quả. Mùa khô vừa rồi, gia đình tôi đã giảm tưới được hai đợt so với rẫy bên cạnh. Ngoài ra, cà phê giảm được tỉ lệ khô cành vào mùa khô. Mấy năm nay, tôi trồng tiêu dưới gốc keo, cho thu hoạch gần 1 tấn tiêu mỗi năm”.  

Theo kinh nghiệm của bà Vinh thì việc chọn cây keo vì tán lá thưa, cà phê ở dưới tán sẽ không bị rợp. Để tỉ lệ cà phê đậu quả cao, gia đình bà phải tỉa cành keo để không ảnh hưởng đến hai hàng cà phê nằm sát gốc với cây keo tạo bóng mát.

ADQuảng cáo

rung bình mỗi ha cà phê, gia đình bà Vinh thu hoạch hơn 3 tấn và đến mùa tiêu còn thu thêm được gần 1 tấn tiêu từ việc trồng xen. Vụ cà phê năm nay, gia đình bà ước thu được hơn 12 tấn cà phê nhân. So với các vườn cà phê xung quanh thì nguồn thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích cao hơn các vườn khác, bên cạnh đó giảm được chi phí đầu tư.

Hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Huyện Đắk Mil hiện có khoảng 250 ha cà phê thuộc địa bàn xã Thuận An, Đức Minh và thị trấn Đắk Mil được trồng dưới tán cây rừng, chủ yếu là muồng đen, keo và dè. Với mục đích trồng che bóng mát, chắn gió, hạn chế xói mòn đất vào mùa mưa, khai thác củi, gỗ, các loại cây gỗ này được trồng vào khoảng từ năm 1998, đến nay cây đã cao từ 7 m trở lên.

Ông Lê Văn Điệp, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil cho biết: “Người dân trồng xen cây thân gỗ giữa các lô cà phê không chỉ đối với khu vực đồi thoai thoải dốc, gió nhiều mà những vùng bằng phẳng cũng được bà con trồng xen cây rừng. Qua thời gian so sánh giữa những vườn trồng cây che bóng mát và những vườn không trồng cây rừng tại địa bàn cho thấy đã có sự chênh lệnh về hiệu quả kinh tế, mức đầu tư, sự phát triển của cây cà phê nghiêng hẳn về phía vườn trồng dưới tán cây rừng”.

Trước hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường, ngành Nông nghiệp huyện thời gian qua đã khuyến cáo người dân trong thời kỳ biến đổi khí hậu nên áp dụng cây bóng mát để phát triển nông nghiệp, phát triển cà phê bền vững. Về phía người dân, nhiều hộ gia đình áp dụng trồng xen các loại cây rừng trong vườn cà phê. Đợt hạn vừa qua đã thấy rõ, việc trồng cà phê dưới tán cây rừng giúp cây trồng chống chịu hạn hán tốt hơn. Việc tưới nước cũng giảm được ít nhất một đợt so với những vườn không trồng cây rừng chắn gió, tạo bóng mát.

Ông Điệp trao đổi thêm: “Xu hướng của người dân trong phát triển nông nghiệp hiện nay họ đã hiểu ra vấn đề, muốn sản xuất có hiệu quả, sản phẩm đạt giá thành cao phải sản xuất bền vững. Trong đó, hình thức nông lâm kết hợp là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả bên cạnh việc sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất theo chương trình VietGap… Người dân đã nhận thức được việc đó, đã và đang áp dụng tuy nhiên chưa phát triển đồng loạt”.

Trồng cà phê kết hợp trồng xen cây rừng đã khắc phục sự khắc nhiệt của thời tiết, khí hậu, giảm chi phí sản xuất thông qua việc giảm chi phí đầu tư tưới nước cho cà phê khi cây rừng giữ độ ẩm, chống xói mòn, tăng tỉ lệ đậu quả... Tất cả những cây che bóng được trồng tiêu bên dưới và cây rừng trở thành trụ sống cho tiêu phát triển để tăng hiệu quả kinh tế cho người dân, tăng nguồn thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả thâm canh cà phê dưới tán cây rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO