Hiệu quả từ các nguồn vốn giải quyết việc làm

Nguyễn Hiền| 08/12/2016 09:44

Những năm qua, các nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Quốc gia về việc làm và Quỹ giải quyết việc làm địa phương đã giúp nhiều hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo thêm nhiều việc làm ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Từ nguốn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân đã đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm thường xuyên

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách-Xã hội (NHCSXH) và qua giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, tính đến tháng 8/2016, tổng nguồn vốn của hai nguồn quỹ là trên 74 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho 3.038 hộ gia đình và dự án được vay, với tổng dư nợ trên 71,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ giải ngân trên 96%.

Trong đó, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm hỗ trợ cho 2.514 hộ gia đình và dự án vay với tổng dư nợ là trên 58,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ giải ngân 96%; Quỹ giải quyết việc làm địa phương hỗ trợ cho 524 hộ gia đình và dự án vay với tổng dư nợ trên 12,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ giải ngân trên 97%.

Hiện nay, số dư nợ của hộ gia đình sản xuất, kinh doanh được Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho vay trực tiếp 48 dự án, với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã thu hút và tạo việc làm ổn định cho trên 400 lao động ở các địa phương. Đối với hình thức cho vay thông qua ủy thác, có 2.990 hộ gia đình được hưởng lợi, với tổng số tiền trên 63,3 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động. Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích nên nhiều dự án không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động.

Điển hình như gia đình anh Lê Doãn Thế ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) từ việc được vay 200 triệu đồng đã đầu tư nuôi heo rừng và tạo việc làm cho 10 lao động của địa phương. Gia đình anh Nguyễn Bá Dương ở xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) vay 250 triệu đồng đầu tư chăn nuôi, trồng trọt hỗn hợp theo mô hình VAC và đã tạo việc làm thời vụ cho 15 lao động. Gia đình bà Lê Thị Kim Liên ở thôn 3, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) được vay 192 triệu đồng đầu tư làm mô hình VAC, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương. Gia đình anh Thái Doãn Hợp ở thôn 3, xã Quảng Khê (Đắk Glong) được vay 300 triệu đồng đầu tư sản xuất trang trại và tạo được việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động địa phương…

ADQuảng cáo

Cũng theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, tổng doanh số cho vay từ Quỹ giải quyết việc làm tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh và các đơn vị trực thuộc là 127,2 tỷ đồng. Từ nguồn vốn, toàn tỉnh đã giải quyết cho 5.208 lượt hộ gia đình được vay, thu hút và tạo việc làm mới cho 6.361 lao động, phần lớn là những người khó khăn. Cụ thể, lao động nữ có trên 4.000 người; lao động là người dân tộc thiểu số 1.292 người; 35 lao động là người tàn tật; 124 lao động bị thu hồi đất. Ngoài ra, từ nguồn vốn giải quyết việc làm còn tạo điều kiện cho 82 lượt lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, với kinh phí hỗ trợ trên 2,6 tỷ đồng.

Theo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, qua giám sát, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn từ Quỹ giải quyết việc làm đã cơ bản đáp ứng các mục tiêu đề ra. Hầu hết các trường hợp vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, phát triển được kinh tế hộ gia đình.

Nguồn vốn vay đã giúp tạo ra nhiều việc làm mới ổn định, kéo dài được thời gian sử dụng lao động, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, khi nguồn vốn giải quyết việc làm không được Trung ương bổ sung thì nguồn vốn ngân sách tỉnh đã tạo điều kiện cho hàng trăm lao động thiếu vốn có việc làm ổn định.

Tuy nhiên, việc triển khai hỗ trợ cho vay vốn từ hai nguồn quỹ cũng còn một số hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, việc phối hợp giữa Sở Lao động -Thương binh & Xã hội và Chi nhánh NHCSXH tỉnh trong việc kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn của các hộ dân chưa được thường xuyên. Vì vậy, một số trường hợp vay vốn chưa chú trọng tạo việc làm mới, thu hút thêm lao động và ổn định việc làm. Phần lớn những hộ được vay đều là hội viên của các hội, đoàn thể và hộ có điều kiện kinh tế ở mức khá trở lên.

Việc cho vay vốn đối với người đi xuất khẩu lao động đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch. Trong khi đó, nguồn vốn dành cho xuất khẩu lao động nhiều năm không sử dụng hết, phải chuyển sang cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay.

Để phát huy hết hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan cần rà soát, đánh giá hiệu quả, mục đích sử dụng vốn của các đối tượng vay sao cho phù hợp với mục tiêu đề ra. Các dự án đã hết thời hạn cần thu hồi vốn để quay vòng cho các dự án mới. Nguồn vốn cần ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh để tạo nhiều việc làm mới cho người lao động, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo và dân tộc thiểu số.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ các nguồn vốn giải quyết việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO