Hiệu quả từ chương trình tái canh cà phê ở Đắk Mil

Hồng Thoan| 06/04/2021 09:15

Giai đoạn 2012-2020, huyện Đắk Mil đã vượt kế hoạch về tái canh cà phê. Hầu hết diện tích cà phê tái canh đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

ADQuảng cáo

Triển khai nhiều giải pháp

Đắk Mil có 21.200 ha cà phê, chiếm khoảng 15,4% diện tích cà phê toàn tỉnh Đắk Nông. Trong số này, có không ít diện tích cà phê già cỗi, kém năng suất. Do đó, thời gian qua, huyện Đắk Mil đã tích cực thực hiện chương trình tái canh cà phê.

Năng suất cà phê trung bình ở Đắk Mil hiện đạt 2,6 tấn/ha

Huyện ủy có Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, huyện coi trọng việc tái canh cà phê cho bà con nông dân. UBND huyện Đắk Mil cũng triển khai Đề án về nâng cao năng suất, chất lượng vườn cà phê, với kế hoạch tái canh khoảng 7.640 ha cà phê già cỗi, sâu bệnh, chất  lượng kém.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Đắk Mil, địa phương tập trung thực hiện đồng thời nhiều giải pháp để tái canh cà phê. Từ khâu tuyên truyền, vận động người dân, cho đến hướng dẫn quy trình, xây dựng các mô hình tái canh cà phê hiệu quả đều được huyện triển khai bài bản.

Huyện quan tâm vận động, hướng dẫn người dân sử dụng các giống cà phê mới, chất lượng cao, kháng sâu bệnh tốt như: TR4, TR9, TR11, TRS1, cà phê dây... để tái canh. Cơ quan chuyên môn của huyện cũng làm tốt việc phối hợp với các doanh nghiệp trong việc cung cấp, hỗ trợ giống cà phê tái canh cho hộ nghèo, dân tộc thiểu số.

Hàng năm, huyện đều triển khai khảo sát, lập kế hoạch tái canh cà phê. Các tổ chức hội, đoàn thể, thôn, bon... cũng đẩy mạnh vận động Nhân dân tích cực triển khai thực hiện tái canh cà phê.

Theo bà Hồ Thị Công, thôn Đức Hòa, xã Thuận An (Đắk Mil), từ nhiều năm nay, gia đình đã thực hiện tái canh toàn bộ diện tích 3 ha cà phê bằng hình thức trồng mới và ghép cải tạo.

Gia đình thực hiện tái canh cà phê theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm một ít để không ảnh hưởng đến thu nhập. Trong vài năm đầu, bà trồng xen các loại cây ngắn ngày như đậu, khoai môn, bắp... để bảo đảm thu nhập. Đến nay, hơn 1 ha cà phê tái canh đã cho thu chính, năng suất cao gần gấp đôi so với trước đây.

ADQuảng cáo

Gia đình bà Hồ Thị Công, xã Thuận An (Đắk Mil) đã tái canh 3 ha cà phê

Tiếp tục đẩy mạnh tái canh

Đến hết năm 2020, toàn huyện đã tái canh được trên 7.800 ha cà phê, đạt 102,35% kế hoạch. Trong đó, tái canh theo hình thức trồng mới 6.394 ha, còn lại là ghép cải tạo.

Về kết quả tái canh, theo ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, không chỉ vượt kế hoạch về diện tích mà kết quả tái canh cà phê đem lại của chương trình này cũng cao hơn mong đợi. Hầu hết diện tích cà phê tái canh đều có năng suất, chất lượng cao.

Nếu như năng suất cà phê trung bình của huyện năm 2012 chỉ đạt 2 tấn/ha thì hiện nay đạt trên 2,6 tấn/ha. Nhiều vườn cà phê tái canh cho năng suất cao hơn khoảng 4-5 tấn/ha so với trước đây.

Qua thực hiện tái canh cà phê, trình độ kỹ thuật sản xuất cà phê của người dân đã được nâng lên. "Điều này khẳng định trong thực tiễn, tái canh cà phê là chương trình rất hiệu quả. Do đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình này để ổn định, nâng cao đời sống người dân", ông Hoàng cho biết.

Ngày 21/1/2021, UBND Đắk Mil đã ban hành Kế hoạch số 21 về việc triển khai chương trình tái canh cây cà phê trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện cũng đã tham mưu, ban hành kế hoạch thực hiện tái canh 975 ha cà phê mỗi năm.

Các phòng, ban, các đơn vị liên quan; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cũng tăng cường sự phối hợp tuyên truyền, thực hiện những chính sách tín dụng, cơ chế hỗ trợ người dân tái canh cà phê.

Huyện Đắk Mil cũng tích cực lồng ghép các chương trình, dự án, đề án đang triển khai trên địa bàn để phục vụ kế hoạch tái canh cà phê. Huyện siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp, nâng cao chất lượng cây giống để chương trình tái canh cà phê ngày một hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ chương trình tái canh cà phê ở Đắk Mil
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO