Hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung theo hướng bền vững

Đức Hùng thực hiện| 10/04/2020 08:00

Đắk Nông có nhiều lợi thế để phát triển các loại cây ăn quả. Hiện nay, so sánh trên một đơn vị diện tích, cây ăn quả cho lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với nhiều loại cây trồng khác. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, về mục tiêu đưa các cây ăn quả phát triển trong thời gian tới.

ADQuảng cáo

Ông Lê Quang Dần

PV: Thực trạng phát triển các loại cây ăn quả ở địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Quang Dần: Đắk Nông có khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho phát triển nhiều loại cây ăn quả, đặc biệt cây có múi, sầu riêng, xoài, bơ… Cùng với đó, người dân đã có kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây ăn quả. Người dân đã áp dụng các quy trình đạt chuẩn sản xuất nông nghiệp trong và ngoài nước vào sản xuất trái cây. Trong thời gian vừa qua, cây ăn quả trên địa bàn phát triển nhanh, đến nay đã có hơn 13.000 ha. Một số loại cây như bơ, sầu riêng, cây có múi... có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Trong giai đoạn hiện nay, cây ăn quả phát triển cơ bản đúng định hướng của ngành nông nghiệp. Trước mắt, cây ăn quả mang lại hiệu quả cao cho người dân. Vấn đề đặt ra là phải phát triển cây ăn quả bảo đảm đúng định hướng, quy hoạch. Nếu vượt quá quy hoạch sẽ ảnh hướng tới tiêu thụ, gây khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cây ăn quả hiện nay, người dân chủ yếu trồng xen canh để tránh rủi ro. Xét về mặt công nghệ, khoa học kỹ thuật, trồng xen có mặt hạn chế khi canh tác, chăm sóc vì từng loại cây có những đặc thù riêng. Do đó, để sản xuất quy mô lớn cây ăn quả thì trồng xen không phải là định hướng phù hợp. Tuy nhiên trong điều kiện sản xuất nông nghiệp còn nhiều rủi ro, đặc biệt sự liên kết chưa cao, việc trồng xen là một giải pháp để phân tán rủi ro cho người sản xuất.

PV: Ông có thể cho biết hiện nay tỉnh đang định hướng phát triển cây ăn quả như thế nào?

Ông Lê Quang Dần: Trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp triển khai từ năm 2018 - 2020, định hướng 2030 và Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), tỉnh Đắk Nông đã có những định hướng phát triển cây ăn quả theo từng giai đoạn cụ thể.  Các địa phương thực hiện tăng dần diện tích để đến năm 2020 toàn tỉnh đạt 13.000 ha cây ăn quả, trong đó có 8.000 ha cho thu hoạch, với năng suất trung bình 10 tấn/ha. Định hướng đến năm 2030, tổng diện tích cây ăn quả tăng lên 19.000 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 13.000 ha, với tổng sản lượng khoảng 260.000 tấn.

ADQuảng cáo

Để phát triển cây ăn quả có hiệu quả và bền vững, tỉnh Đắk Nông đang hình thành các vùng tập trung. Trong đó, vùng trồng sầu riêng sẽ tập trung ở thành phố Gia Nghĩa, Đắk Mil. Các loại cây ăn quả có múi sẽ tập trung ở các huyện như Đắk Glong, Đắk Song, thành phố Gia Nghĩa. Phát triển vùng xoài ở những nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu hợp giống này như Đắk Mil. Còn chanh dây tập trung sản xuất ở các huyện Đắk R’lấp, Đắk Glong, Gia Nghĩa. Phát triển cây bơ ở Tuy Đức, Krông Nô, Đắk Song, Đắk Mil…

Mô hình sản xuất vải thiều hiệu quả cao ở huyện Krông Nô

PV: Sản phẩm trái cây chủ yếu bán tươi và chế biến. Vậy đến nay, tỉnh Đắk Nông đang tiêu thụ như thế nào và chế biến ra sao, thưa ông?

Ông Lê Quang Dần: Phát triển cây ăn quả phải gắn với bảo quản và chế biến. Trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu vẫn là xuất tươi các loại trái cây. Điều này sẽ gây ra khó khăn về đầu ra trong tương lai. Thị trường trái cây hiện nay chủ yếu là xuất tươi. Vì thế trước hết, khâu sản xuất, người dân cần phải áp dụng theo quy trình đáp ứng yêu cầu của đơn vị thu mua.

Hiện nay, thị trường trái cây lớn nhất của tỉnh vẫn là Trung Quốc. Trước đây, thị trường này tương đối dễ tính. Thế nhưng, đến thời điểm này, tiêu chuẩn chất lượng tại thị trường này đã được siết chặt. Vì thế, yêu cầu sản xuất phải áp dụng theo quy trình, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý mới đáp ứng được tiêu chuẩn của đơn vị thu mua.

Ngoài thị trường Trung Quốc, tỉnh đang xúc tiến thương mại vào một số thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản… và không quên thị trường trong nước. Nông sản Đắk Nông đang có lợi thế để gia nhập những thị trường tiêu thụ lớn trọng điểm trong nước như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng... Cùng với đó, tỉnh đang thu hút, kêu gọi đầu tư vào xây dựng các nhà máy bảo quản, chế biến các loại trái cây trên địa bàn, góp phần tăng giá trị cho cây ăn quả.

PV: Cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung theo hướng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO