Hộ kinh doanh đủ điều kiện chưa "mặn mà" chuyển thành doanh nghiệp

Lương Nguyên| 30/11/2017 10:14

Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 5.000 doanh nghiệp hoạt động ổn định. Để đạt mục tiêu này, toàn tỉnh dựa vào hai nguồn lực chính đó là số lượng doanh nghiệp thành lập mới và hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc vận động, tuyên truyền hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp không phải là công việc dễ dàng.

ADQuảng cáo

Một số hộ kinh doanh "ngại" chuyển thành doanh nghiệp vì sợ nguy cơ tăng tiền thuế, các loại phí bảo hiểm...  (Trong ảnh: Hoạt động mua bán tại siêu thị Coopmart Đắk Nông). Ảnh: T.N

 “Ngại” nhiều thủ tục

Theo Cục Thống kê tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 23.000 hộ kinh doanh cá thể. Mỗi năm, hộ kinh doanh cá thể đóng góp trên 20% vào tổng thu ngân sách địa phương. Trong tổng số này, số lượng hộ kinh doanh có tiềm năng chuyển đổi lên doanh nghiệp khá lớn. Vậy nhưng, khi được hỏi về ý định thành lập doanh nghiệp, hầu hết chủ cơ sở kinh doanh, buôn bán đều không mấy "mặn mà".

Qua tìm hiểu được biết, một trong những lý do khiến hộ kinh doanh ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp là sợ thủ tục hành chính thuế.

Bà Lê Thị Nga, kinh doanh văn phòng phẩm, ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) cho biết: “Chúng tôi rất “ngại” lên doanh nghiệp, vì muốn tránh những rắc rối, phức tạp về thủ tục hành chính, thủ tục kiểm toán, thuế. Chưa hết, hằng năm, doanh nghiệp còn phải “đối mặt” với những cuộc thanh tra, kiểm tra. Chúng tôi thà nhận mức thuế khoán, còn hơn phải căng đầu lo hóa đơn đầu vào, đầu ra, kê khai sử dụng hóa đơn hay đến kỳ quyết toán thuế”.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Bắc, chủ cơ sở kinh doanh Thương mại dịch vụ Hồng Nhiên, thị trấn Đức An (Đắk Song) cho hay: “Từ trước tới nay, các khoản thu, chi đều do gia đình quản lý, ghi chép một cách tương đối. Nếu chuyển đổi lên doanh nghiệp, cơ sở bắt buộc sử dụng hóa đơn, chứng từ thu, chi. Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi phải tìm nguồn nguyên liệu có sử dụng hóa đơn. Cơ sở còn phải thuê thêm kế toán để làm sổ sách, kê khai thuế cho đúng quy định vì bản thân chưa từng học nghiệp vụ kế toán. Nếu như vậy thì quá phức tạp, tốn kém, trong khi lượng khách hàng mà không tăng lên chính người kinh doanh lại chịu thiệt”.

Hoạt động mua bán tại cửa hàng tạp hóa Hóa Phượng, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa)

Cùng với “ngại” về thủ tục, nguy cơ tăng tiền thuế khi chuyển đổi lên doanh nghiệp cũng khiến cho nhiều hộ kinh doanh không “mặn mà”. Theo cơ chế hiện nay, phần lớn hộ kinh doanh có doanh thu hàng trăm triệu đồng hay chỉ vài chục triệu đồng mỗi tháng đều đang thực hiện nghĩa vụ thuế theo hình thức thuế khoán. Trên thực tế, việc xác định doanh thu khoán hiện hành còn chênh lệch khá lớn so với doanh thu phát sinh của các hộ kinh doanh. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều hộ kinh doanh nộp thuế khoán thấp hơn so với mức thuế tính theo doanh thu.

ADQuảng cáo

Không chỉ có thủ tục thuế, các loại phí bảo hiểm cũng là “rào cản” khiến hộ kinh doanh dè chừng khi lên doanh nghiệp. Trên thực tế, hầu hết hộ kinh doanh hiện nay đều chưa tham gia bảo hiểm tài sản và đóng bảo hiểm cho người lao động. Còn nếu khi thành lập doanh nghiệp, họ sẽ phải thực hiện đầy đủ các loại bảo hiểm bắt buộc theo quy định. Đây là một trong những yếu tố làm tăng chi phí hoạt động, giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Cần thêm động lực

Thực tế đặt ra, hoạt động theo hộ kinh doanh thường có quy mô và số lượng khách hàng có hạn. Trong khi, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp đòi hỏi khả năng quản trị cao, phải có kế toán, kê khai thuế… sẽ phát sinh nhiều chi phí. Nếu không có chiến lược lâu dài thì rất khó có thể duy trì hoạt động, chứ chưa nói đến việc mở rộng quy mô.

Thời gian qua, Chính phủ, địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, những ưu đãi này vẫn chưa tạo đủ động lực để "đẩy lùi" lo lắng của hộ kinh doanh. Làm thế nào để khi chuyển thành doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể sẽ tiếp tục lớn mạnh và tránh tình trạng “bình mới rượu cũ” là vấn đề lớn đang đặt ra.

Ông Vũ Văn Thiện, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng, cần phải khuyến khích và dùng đòn bẩy kinh tế, nhằm tạo động lực tự nhiên cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Thêm nữa, nếu tạo được một môi trường kinh doanh đơn giản, hợp lý, phù hợp với quy mô và tính chất kinh doanh thì hộ kinh doanh sẽ tự khắc chuyển đổi lên doanh nghiệp”.

Nói về giải pháp chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, ông Hoàng Trung Định, Trưởng phòng Tây Nguyên, Vụ Kinh tế Địa phương và Lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh: “Chuyển đổi các hoạt động của hộ kinh doanh, doanh nghiệp quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là phải bảo đảm việc hoạt động một cách hiệu quả. Cần phải cải thiện môi trường kinh doanh và có những nỗ lực thúc đẩy, tạo điều kiện khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển để họ thấy những cần thiết và chủ động trong việc chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp”.

Như vậy, để phát triển doanh nghiệp, cùng với môi trường cạnh tranh lành mạnh, các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện cải cách hành chính, giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hộ kinh doanh đủ điều kiện chưa "mặn mà" chuyển thành doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO