Hồ tiêu mất mùa, mất giá

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 24/01/2019 09:25

Thời gian này, nông dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung thu hoạch vụ hồ tiêu 2018 -2019. Khác với nhiều năm trước, năm nay người dân không vui vì hồ tiêu mất mùa, mất giá.

ADQuảng cáo

Những ngày đầu tháng 1/2019, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, thôn 6, xã Nhân Cơ đang tập trung thu hoạch 1 ha hồ tiêu. Những năm trước, với 800 trụ tiêu, anh thu về khoảng 2,5 - 3,5 tấn tiêu hạt nhưng năm nay chỉ được chừng 1,5 tấn.

Vườn hồ tiêu của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, thôn 6, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) giảm khoảng 30% năng suất so với năm 2017

Theo anh Hùng, năm nay là năm thứ hai liên tiếp gia đình mất mùa hồ tiêu do thời tiết thay đổi liên tục trong thời kỳ cây ra hoa, đậu quả. Theo đó, cây tiêu rơi vào tình trạng lá già rụng muộn, tay non ra dài nhưng không có bông. Cây vẫn xanh tốt, cành lá sum suê nhưng trái thì không có.

Anh Hùng cho biết: "Kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập từ hồ tiêu. Nay hồ tiêu mất mùa lại mất giá nên gặp nhiều khó khăn”.

Cũng ở Đắk R’lấp, nếu như anh Hùng chỉ mất mùa một phần thì hộ chị Lê Thị Hường, thôn 9, xã Quảng Tín lại mất mùa hoàn toàn khi vườn hồ tiêu 1,5 ha gần như chết trụi.

Chị Hường buồn bã cho biết: “Gia đình đã phải bỏ đến hàng trăm triệu đồng để cứu vườn tiêu, từ mua các loại thuốc, men, nấm về bón, phun, rồi thuê công, máy móc xịt nhưng không thành công. Công đầu tư, chăm sóc bấy lâu nay thành công cốc”.

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Đắk R’lấp thì tổng diện tích hồ tiêu toàn huyện hiện nay là 4.601,9 ha, trong đó hồ tiêu trong giai đoạn kiến thiết cơ bản 1.680,9 ha và kinh doanh 2.921 ha. Năng suất ước đạt 2,3 tấn/ha, tổng sản lượng 6.893.5 tấn. Mặc dù vẫn đang trong vụ thu hoạch nhưng ước tính năng suất giống tiêu Vĩnh Linh năm này giảm 50-60%. Những giống tiêu khác năng suất cũng giảm nhưng mức độ nhẹ hơn, khoảng 10-15%. Năm 2018, toàn huyện cũng có 304 ha hồ tiêu chết, khiến nông dân càng gặp nhiều bất lợi trong sản xuất, nhất là trang trải các chi phí đầu vào.

Vườn hồ tiêu của gia đình chị Lê Thị Hường thôn 9, xã Quảng Tín (Nhân Cơ) chết hàng loạt

Không chỉ ở Đắk R’lấp, tại vựa tiêu lớn nhất của tỉnh là huyện Đắk Song với diện tích hiện hơn 15.200 ha hồ tiêu, nhiều nông dân cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện thì sản lượng hồ tiêu của huyện có thể đạt cao hơn nhiều nếu như hồ tiêu không bị chết, giảm năng suất. Thống kê cho thấy, riêng trong năm 2018, huyện Đắk Song có gần 1.700 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó hơn 200 ha hồ tiêu đã chết hoàn toàn. Không ít hộ dân ở các xã Nâm N’Jang, Đắk N’Drung, Thuận Hà, Trường Xuân lâm vào cảnh nợ nần, không có nguồn vốn tái đầu tư sản xuất.

Không chỉ mất mùa, nông dân buồn hơn khi giá hạt tiêu đang ở mức thấp. Theo nhiều chủ cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh thì mức giá hồ tiêu giữa tháng 1/2019 chỉ khoảng 50.000 đồng/kg. Trong khi đó giá hồ tiêu của tháng 12/2018 dao động mức 52.000 đồng - 53.000 đồng. Thông tin từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2018, với mức sản lượng hạt tiêu cả nước ước đạt 230.000 tấn, tăng 20.000 tấn so với năm 2017 thì việc giá giảm là điều tất nhiên. Đến hết năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam ước đạt 232.000 tấn, trị giá khoảng 758 triệu USD, tăng 8,1% về lượng nhưng giảm 32,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp- PTNT, với diện tích hơn 32.000 ha, năm 2018, tổng sản lượng hồ tiêu của tỉnh ước đạt 51.863 tấn/59.586 tấn, đạt 87% so với kế hoạch, nhưng vẫn tăng 13.281 tấn so với năm 2017.

Còn theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2018 - 2019, tuy năng suất hồ tiêu tại một số nước sản xuất lớn, trong đó có Việt Nam có thể giảm nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu vẫn sẽ cao hơn năm 2017. Cung vượt cầu đã khiến giá tiêu trên thế giới có xu hướng không tăng, lợi nhuận từ sản xuất hồ tiêu không được như những năm trước. Xuất khẩu tiêu Việt Nam vẫn còn khó khăn do rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan... do tâm lý, cách thức sản xuất của nông dân còn nhiều hạn chế. Trước thực tế này, nông dân muốn nâng cao giá trị sản phẩm cần đẩy mạnh thâm canh hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bền vững. Trong đó vấn đề về bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm được đặt lên hàng đầu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồ tiêu mất mùa, mất giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO