Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường hiệu quả, thực chất

Tường Mạnh| 16/04/2018 11:22

Tại Đề án “Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” vừa được UBND tỉnh phê duyệt, một trong những chính sách mà đề án chú trọng, tập trung hướng đến đó là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

ADQuảng cáo

Du khách tham quan cách chế biến và thưởng thức các sản phẩm cà phê tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI (tháng 3/2017). Ảnh: Lê Phước

Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai

Theo đánh giá, trong thời gian qua, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã được triển khai, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong tiếp cận các thị trường hàng hóa, dịch vụ lớn. Tổng kinh phí thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại của quốc gia và địa phương trong giai đoạn 2011-2013 là 1,59 tỷ đồng, trong giai đoạn 2014-2017 là 3,1 tỷ đồng.

Hoạt động xúc tiến thương mại bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội nghị triển lãm trong nước, khảo sát thị trường, kết nối giao thương, tập trung vào các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến sản phẩm chủ lực của địa phương. Giai đoạn 2014-2017, Sở Công thương đã hỗ trợ cho hơn 80 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia 10 hội chợ thương mại; phối hợp tổ chức Hội chợ thương mại Đắk Nông - Mondulkiri tại Campuchia; hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày sản phẩm địa phương tại các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh.

Các hội nghị kết nối giao thương, khảo sát thị trường giữa tỉnh Đắk Nông và các tỉnh, thành phố như Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa… cũng được tổ chức nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa sản xuất, nhất là các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn.

Cùng với phối hợp tổ chức các chương trình kết nối giao thương với TP. Hồ Chí Minh, tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ trên địa bàn tỉnh ký kết bao tiêu các mặt hàng nông, lâm nghiệp như khoai lang sấy, đậu phộng sấy, ngũ cốc, đậu nành và sản phẩm sơ chế đậu nành, đậu đen. Hội Nông dân tỉnh kết hợp với các sở, ngành xúc tiến hoạt động thương mại hàng nông sản của địa phương. Qua đó, các sản phẩm được hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường TP. Hồ Chí Minh (tại chợ đầu mối Bình Điền) như cà rốt và củ cải trắng (Krông Nô), bắp cải, su hào (Đắk Song, Đắk R’lấp), su su, cà rốt, khoai lang (Tuy Đức), hoa và cà đen (Gia Nghĩa).

Hội chợ thương mại Đắk Nông - Mondulkiri lần thứ I, năm 2017 tổ chức tại TP. Senmonorom (tỉnh Mondulkiri, Campuchia) vào đầu tháng 11/2017 là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh Đắk Nông nhằm quảng bá hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp, nông dân trong tỉnh. Ảnh: Lê Phước

Hiệu quả chưa cao

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường chưa cao, còn những hạn chế. Cụ thể, doanh nghiệp hầu như chưa được hỗ trợ về phát triển thương mại điện tử, nên hoạt động giao dịch, mua bán hàng hóa thương mại điện tử nhìn chung kém phát triển. Kế hoạch phát triển thương mại điện tử của tỉnh Đắk Nông gần như chưa được triển khai.

Tìm kiếm thông tin trên internet cho thấy, gần như tất cả các doanh nghiệp tại Đắk Nông không có website của mình. Việc tiếp cận, giao dịch trên thị trường chủ yếu vẫn qua các kênh giao dịch truyền thống. Trong bối cảnh thương mại điện tử đang có sự gia tăng mạnh mẽ, nên đây là một hạn chế trong năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

ADQuảng cáo

Các mức hỗ trợ còn thấp, chưa thực sự chia sẻ chi phí với doanh nghiệp, trong khi hiệu quả của các chương trình xúc tiến chưa thực sự rõ nét. Mức hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh chỉ khoảng 10 triệu đồng/gian hàng nên chưa thực sự mang tính hỗ trợ cho doanh nghiệp. Mặt khác, do thời gian diễn ra hội chợ ngắn, nên khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với khách hàng thấp, khả năng ký kết được các biên bản ghi nhớ hợp tác chưa cao. Việc tổ chức các hội chợ hoặc tham gia hội chợ nước ngoài, nhất là các thị trường lớn để quảng bá hàng hóa của tỉnh còn hạn chế về quy mô và số lượng.

Sự hỗ trợ của các hoạt động xúc tiến thương mại còn mang tính tổng quát, thiếu tính cụ thể, trong khi yêu cầu của các doanh nghiệp mang tính chuyên sâu trong chiến lược phát triển sản phẩm, dịch vụ và quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ đó. Vì vậy, các chương trình xúc tiến thương mại phần nào chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Kết quả của việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm còn rất thấp. Đắk Nông chưa xây dựng được chỉ dẫn địa lý với các sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Nhãn hiệu hàng hóa của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn chưa được công nhận để tham gia phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn trong nước.

Điển hình, sản phẩm tinh dầu gấc của Công ty TNHH Gấc Tây Nguyên phải xuất khẩu dưới nhãn hàng của 1 doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh hoặc bán trong nước thông qua nhãn hiệu VINAGA. Sản phẩm nấm sạch của Công ty NASA được phân phối trong các siêu thị lớn thông qua nhãn hàng của công ty khác. Các sản phẩm của Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng, chủ doanh nghiệp phải tự bỏ vốn đăng ký bảo hộ thương hiệu trong 32 năm trên thế giới.

Sẽ đi vào thực chất hơn

Trước thực tế trên, theo đề án, trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận về thị trường sẽ được tập trung vào một số nội dung cụ thể, tạo sự gắn kết và đi vào thực chất hơn.

Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước cho 60 doanh nghiệp trồng, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương (tiêu, cà phê,…). Doanh nghiệp được hỗ trợ thông tin thị trường về giá cả, tỉ giá ngoại tệ, tình hình xuất nhập khẩu, thời tiết, dịch bệnh… trên các bản tin truyền hình, báo in, báo điện tử, hệ thống tin nhắn điện thoại…

Tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo công nghệ thông tin để ứng dụng thương mại điện tử trong mở rộng thị trường, có thêm các hình thức phân phối sản phẩm ra thị trường; đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng website thương mại điện tử. Doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Tỉnh xây dựng và phát triển các chợ đầu mối theo quy hoạch, nhất là các chợ đầu mối về nông sản, thực phẩm, theo hình thức đối tác công tư để tạo điều kiện cho phát triển giao thương, tìm kiếm nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Điển hình, vào ngày 3/4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 467 về phê duyệt Chương trình Xúc tiến thương mại địa phương năm 2018 tỉnh Đắk Nông và giao Sở Công thương có trách nhiệm phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện. Chương trình gồm các nội dung hoạt động: Xây dựng danh bạ doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông; tổ chức 1 đoàn nghiên cứu, khảo sát, thị trường kết nối giao thương hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tổ chức 4 chương trình đưa đoàn doanh nghiệp đi tham gia hội chợ trong nước; tổ chức 1 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Đắk Song.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường hiệu quả, thực chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO