Hoạt động điểm giao dịch xã ở Đắk R'lấp: Tạo nhiều thuận lợi cho người dân

Nguyễn Lương| 30/05/2017 10:30

Đã thành thông lệ, cứ đến ngày 20 hằng tháng, các ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn xã Nhân Đạo lại tập trung về trụ sở UBND xã để nộp lãi, gốc, tiền huy động tiết kiệm…cho Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện.

ADQuảng cáo

Ngay tại trụ sở UBND xã, tất cả những thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng như: Biển hiệu chỉ dẫn, bảng nội quy giao dịch, thông báo các chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất… đều được công khai niêm yết, rõ ràng.

Người dân xã Nhân Đạo giao dịch tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk R'lấp

Là một trong những người dân được vay vốn từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư vào sản xuất, ông Nguyễn Chương ở thôn 3 đã đến điểm giao dịch xã từ rất sớm. Ông cho biết: Với lịch trình được ngân hàng quy định cụ thể, gia đình tôi đã chủ động chuẩn bị tiền lãi, gốc để nộp cho ngân hàng. Vào ngày cố định hằng tháng, bất kể ngày nghỉ, ngày lễ, ngân hàng đều đến giao dịch với người dân. Quan trọng hơn, khi giao dịch ở xã, người dân ở vùng sâu, vùng xa như tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại.

Ông Nguyễn Văn Chôm, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 3 cho biết, hiện tại, tổ đang quản lý 56 thành viên, với dư nợ hơn 1,7  tỷ đồng. Tất cả các khâu từ thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm đều được thực hiện kịp thời, qua đó, tạo điều kiện cho tổ giao dịch hiệu quả, nhanh chóng. Điều đáng mừng, từ khi điểm giao dịch xã đi vào hoạt động, với thời gian cụ thể, ngân hàng đến giao dịch đúng giờ đã tạo thuận lợi cho ban quản lý tổ. Ngoài việc tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, ngay tại buổi giao dịch, các tổ trưởng còn được cán bộ tín dụng hướng dẫn nghiệp vụ sổ sách, triển khai nhiều chủ trương, chính sách mới.

ADQuảng cáo

Không những tạo thuận lợi cho người vay vốn, mà các điểm giao dịch ở xã được triển khai hằng tháng, còn góp phần giúp địa phương nắm bắt kịp thời nhiều thông tin. Theo ông Nguyễn Tạo, Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo, trước khi giao dịch, Phòng Giao dịch NHCSXH, lãnh đạo UBND xã, các hội, đoàn thể tổ chức họp giao ban. Trong cuộc họp, các tổ tiết kiệm và vay vốn trực thuộc các tổ chức hội, đoàn thể trình bày thuận lợi, khó khăn trong quá trình thu lãi, gốc.

Trên cơ sở này, các bên tìm giải pháp phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn chính sách, từ đó, giúp bà con trên địa bàn xã được tiếp cận nguồn vốn chính sách, có điều kiện phát triển sản xuất. Đến nay, toàn xã có hơn 700 hộ được tiếp cận vốn, với dư nợ gần 20 tỷ đồng.

Ông K’Ngai, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk R’lấp cho biết, hiện  nay, địa phương có 11 điểm giao dịch xã, thị trấn. Hằng tháng, đơn vị bố trí thời gian giao dịch cụ thể cho từng đơn vị là từ ngày 5 đến ngày 23. Trên cơ sở lịch giao dịch, cán bộ ngân hàng luôn có mặt tại các điểm giao dịch đã thông báo để thực hiện giao dịch với người dân. Thông qua hoạt động tại điểm giao dịch, ngân hàng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ vay, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vừa tăng cường theo dõi, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở chính quyền cơ sở.

“Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ, từ đó, chấn chỉnh ngay công tác giao dịch xã. Trên cơ sở xây dựng kế hoạch, thời gian cụ thể, Phòng Giao dịch sẽ yêu cầu cán bộ chuẩn bị tốt cho các phiên giao dịch xã, phân công cán bộ giao dịch hợp lý để kịp thời nhập dữ liệu về trung tâm trong ngày. Việc xử lý nghiệp vụ nợ đến hạn sẽ được đơn vị thực hiện xong trước ngày giao dịch xã để không còn tình trạng xử lý sau ngày giao dịch, dẫn đến tình trạng nợ quá hạn tăng không kiểm soát”- ông K’Ngai cho biết thêm.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động điểm giao dịch xã ở Đắk R'lấp: Tạo nhiều thuận lợi cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO