Hoạt động khuyến nông hướng đến mục tiêu nông sản an toàn

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 11/02/2019 10:42

Bằng nhiều nguồn vốn, thông qua nhiều hình thức khác nhau, năm 2018, hoạt động khuyến nông, khuyến ngư của tỉnh đã hướng nhiều hơn đến mục tiêu phát triển các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao.

ADQuảng cáo

Cá diêu hồng nuôi tại hộ ông Đỗ Thanh Bình, thôn 1, xã Đắk Sin (Đắk R'lấp) bằng thức ăn chế phẩm sinh học phát triển nhanh, ít bị bệnh

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã giao cho Trạm Khuyến nông huyện Đắk Mil xây dựng mô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới tại thôn Bắc Sơn, xã Đắk Gằn với 2 hộ dân tham gia, quy mô 0,07 ha, tổng kinh phí đầu tư hơn 82 triệu đồng. Người tham gia mô hình được đầu tư 100% giống và vật tư để trồng giống dưa lưới có tên Earth’s Red nhập từ Hàn Quốc, loại giống cho quả tròn, ruột màu vàng cam bắt mắt.

Trong quá trình triển khai, chuyên viên của Trung tâm khuyến nông tỉnh, Trạm khuyến nông huyện thường xuyên bám sát địa bàn để theo dõi, đánh giá khả năng thích nghi với đất đai, khí hậu. Sau thời gian hơn 3 tháng, mô hình đã cho kết quả: Cây phát triển đạt chuẩn ở mức cao khoảng 2,5 m, quả đạt khoảng 1,5 kg, năng suất ước đạt gần 2,5 tấn/0,07 ha.

Theo anh Nguyễn Thế Độ, người tham gia thực hiện mô hình thì trước đây, anh vẫn có tâm lý sử dụng nhiều phân bón hóa học để thúc đẩy cây sinh trưởng nhanh, tăng năng suất nhưng khi tham gia mô hình, anh đã canh tác với các loại phân bón hữu cơ, sinh học. Tuy mới trồng vụ đầu tiên, kinh nghiệm chưa có nhưng mô hình đã cho kết quả khả quan. Cây sinh trưởng tốt, ít dịch bệnh. Với giá bán tại vườn 45.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí như công lao động, điện nước, vật tư, lợi nhuận thu được khoảng 50 triệu đồng/0,07 ha. Đây là mức lợi nhuận mà chưa có loại cây trồng nào trên địa bàn có được nên gia đình sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng.

ADQuảng cáo

Theo Trung tâm dịch vụ kỹ thuật huyện Đắk Mil, đây là loại cây trồng mới tại địa bàn huyện Đắk Mil và cũng là mô hình dưa lưới đầu tiên áp dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ. Trong quá trình trồng và chăm sóc được chủ hộ sử dụng các dòng men vi sinh để xử lý nấm bệnh và bón phân cho cây bằng các loại phân hữu cơ nên không gây ra các nguy cơ ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm tốt, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Thành công từ mô hình dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ tại xã Đắk Gằn là động lực cho nông dân, ngành chức năng, các địa phương trong vấn đề khai thác các tiềm năng, thế mạnh địa phương, đa dạng hóa sản phẩm, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp.

Cũng trong năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình thâm canh cá diêu hồng sử dụng chế phẩm sinh học tại thị xã Gia Nghĩa và 4 huyện với quy mô 1 ha với 13 hộ tham gia. Mô hình cũng đạt được những kết quả khả quan. Sau gần 6 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống đạt 80,3%, trọng lượng trung bình khoảng 0,5 - 0,7 kg/con. Lợi nhuận trung bình hơn 214 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Vũ Duy Nam, chuyên viên Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Đắk R’lấp cho biết: Cùng với trồng trọt thì mô hình nuôi cá bằng chế phẩm sinh học khẳng định sự ưu việt trong áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào nuôi thâm canh cá, mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao. Đồng thời cũng khẳng định xu hướng tất yếu về sản xuất các sản phẩm thủy sản nước ngọt theo hướng an toàn để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cho nông dân trên địa bàn. Qua đây, bà con biết áp dụng đồng bộ hơn các kỹ thuật nuôi mới, cách cải tạo ao hồ, điều chỉnh, xử lý nguồn nước bằng các chế phẩm, vật tư an toàn, nằm trong danh mục cho phép của cơ quan chuyên môn để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đàn cá. Chất lượng cá cũng cao hơn khi nuôi bằng chế phẩm thức ăn sinh học làm cho thịt săn chắc, ngọt nên được thị trường ưa chuộng.

Năm 2018, hoạt động khuyến nông cũng đã tổ chức được 184 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho hơn 6.900 lượt người tham gia. Toàn tỉnh tổ chức được 59 cuộc hội thảo khuyến nông với gần 2.000 người tham gia. Nội dung của các cuộc hội thảo, tập huấn cũng đề cập nhiều hơn, sâu hơn về mục tiêu nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài các mô hình trên, năm 2018, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng thực hiện thành công một số mô hình về sản xuất cà phê, hồ tiêu bền vững, an toàn. Qua tổng kết, đánh giá các mô hình đều có khả năng nhân rộng cao nên ngành sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, giới thiệu để bà con học tập, làm theo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động khuyến nông hướng đến mục tiêu nông sản an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO