Hoạt động khuyến nông - khuyến ngư: “Cầu nối” đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân

Hồng Thoan| 01/11/2018 10:23

Những năm qua, đội ngũ những người làm công tác khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Đắk Nông đã có những đóng góp tích cực trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Họ được ví như là “cầu nối” đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân qua nhiều hình thức khác nhau.

ADQuảng cáo

Tập huấn, hội thảo để “cầm tay, chỉ việc”

Đội ngũ khuyến nông - khuyến ngư của Đắk Nông hiện có khoảng 897 người, trong đó cấp tỉnh 24 người, cấp huyện 31 người, cấp xã 71 người, cấp thôn, bon 771 người. Bằng các nguồn vốn khác nhau, hàng năm, hoạt động tập huấn, hội thảo luôn được tiến hành kịp thời, phù hợp với nhu cầu của nông dân ở mỗi huyện, thị xã. Trong đó, nếu như trước đây, các lớp tập huấn chủ yếu tổ chức trong phòng kín  thì hiện nay, các đợt tập huấn, hội thảo chủ yếu được thực hiện ngoài hiện trường. Với việc lấy ruộng, vườn, ao, chuồng làm bục giảng, đội ngũ khuyến nông đã “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn các kỹ thuật hiệu quả hơn cho người dân. Các lớp tập huấn luôn chú trọng đến đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn kỹ thuật ghép cây cà phê cho bà con nông dân xã Đắk Ru (Đắk R'lấp). Ảnh: Lê Phước

Mới đây, Trạm Khuyến nông huyện Đắk R’lấp đã tổ chức Hội thảo Tổng kết mô hình thâm canh cá diêu hồng sử dụng chế phẩm sinh học tại hộ bà Phạm Thị Hiền, thôn 1, xã Đắk Sin. Ngoài các khuyến nông viên trong huyện, hội thảo đã thu hút khá đông các hộ dân trong và ngoài xã đến tìm hiểu, học tập. “Sân khấu” của hội thảo chính là bờ ao.

Sau phần giới thiệu khá sơ lược việc triển khai mô hình, hiệu quả kinh tế, nông dân tự tìm hiểu các thông tin qua các kỹ sư phụ trách, chủ hộ. Những thắc mắc của nông dân được giải đáp cụ thể gắn với những phát sinh trong thực tiễn theo kiểu “cầm tay, chỉ việc” nên nông dân dễ dàng nắm bắt.

Bà Phạm Thị Hiền cũng nhờ sự chỉ dẫn cụ thể mà triển khai mô hình khá thành công. Bà Hiền cho biết: Từ lúc bắt đầu triển khai đến ngày hội thảo, các cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn cho gia đình cụ thể, chi tiết các kỹ thuật từ vệ sinh ao, tạo sinh thái thuận lợi cho cá phát triển, lượng thức ăn, cách thức cho ăn từng thời kỳ, phòng, chống các bệnh thông thường để cá sinh trưởng, phát triển tốt. Qua 5 tháng nuôi, mỗi con cá diêu hồng đạt khoảng 0,5 kg, ước tính năng suất đạt gần 1 tấn/1 sào. Với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg, mô hình thu về  khoảng 40 triệu đồng, trừ mọi chi phí, lợi nhuận được hơn 20 triệu đồng.

“Từ thành công của mô hình, tôi đã học được nhiều kỹ thuật mới về cách chọn cá giống, mật độ thả, gia đình sẽ tiếp tục triển khai việc nuôi cá diêu hồng trong những năm tiếp theo để tăng thu nhập”, bà Hiền khẳng định.

Mô hình nuôi cá diêu hồng của gia đình bà Phạm Thị Hiền, thôn 1, xã Đắk Sin (Đắk R'lấp) đạt lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/sào sau 5 tháng nuôi

ADQuảng cáo

Cùng với tập huấn, hội thảo, việc in ấn, cấp phát các tài liệu kỹ thuật đến nông dân cũng được chú trọng để đẩy mạnh chuyển giao khoa học, kỹ thuật mới đến người dân. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp- PTNT,  từ năm 2008 đến năm 2017, Sở đã in ấn, cấp phát 210.000 tờ bướm về quy trình, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, 40.000 cuốn tập san, 3.350 cuốn sách giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn tỉnh, hơn 8.700 cuốn nông lịch về thời vụ gieo trồng, thả giống, phòng trừ sâu bệnh cho gia súc, gia cầm đến nông dân.

Xây dựng thành công nhiều mô hình trình diễn

Song song với tập huấn, hội thảo, việc xây dựng các mô hình trình diễn cũng luôn được ngành Nông nghiệp-PTNT tỉnh xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để đưa tiến bộ kỹ thuật mới đến với ruộng vườn của nông dân. Theo đó, những năm qua, nhiều mô hình trình diễn triển khai thành công, được nông dân nhân rộng. Cụ thể, đối với lúa, các giống năng suất chất lượng cao như lúa lai TH3 – 3, VT404, Tej Vàng; lúa thuần thơm RVT hiện đã được nhân rộng tại các huyện Krông Nô, Cư Jút. Nếu như trước đây, việc sử dụng các giống lúa cũ còn phổ biến thì đến nay có khoảng 80% diện tích lúa của tỉnh gieo trồng các giống lúa lai mới. Các hộ trồng lúa trên địa bàn đã thay đổi phương thức canh tác theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững.

Thống kê cho thấy, từ năm 2008 đến 2017, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.837 lớp tập huấn kỹ thuật cho hơn 70.500 lượt nông dân, trong đó nông dân là nữ chiếm 35,6%, dân tộc thiểu số chiếm 41,9%. Qua tham dự những lớp tập huấn, đã có rất nhiều hộ nông dân áp dụng thành công kỹ thuật vào sản xuất của hộ gia đình, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ngoài việc đưa giống mới vào sản xuất thì việc áp dụng các chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp, “3 giảm, 3 tăng” gồm giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm cũng được tăng cường trên đồng ruộng. Vì thế, cụm từ "Ba tăng" (tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế) hay “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận, còn “5 giảm” là giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch) đã không còn lạ đối với người trồng lúa.

Trên các cây công nghiệp chủ lực như mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây hồ tiêu triển khai tại các huyện Đắk Mil, Cư Jút và Đắk Glong cho thấy mô hình rất phù hợp với điều kiện khí hậu tại Đắk Nông, tiết kiệm được 90% công lao động, 25-30% lượng nước tưới. Mô hình này còn giúp giảm 30% lượng phân bón, chi phí đầu tư trung bình giảm 17 triệu đồng/ha, tăng 15% lợi nhuận so với áp dụng biện pháp tưới thông thường.

Trên cây cà phê, cùng với các mô hình về trồng, thâm canh, tái canh, từ năm 2012-2016, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai mô hình sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ Certified. Thông qua các chương trình, người dân đã được hướng dẫn áp dụng các khoa học kỹ thuật canh tác cà phê bền vững nên chi phí đầu tư giảm, hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Theo ông Nguyễn Viết Vui, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh (Sở Nông nghiệp - PTNT), nhìn chung, hoạt động khuyến nông, khuyến ngư đã là cầu nối hiệu quả chuyển giao các kỹ thuật mới đến với nông dân. Trong đó, có thể nói khuyến nông đã góp phần lớn vào việc giúp nhà nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Hầu hết các mô hình thành công đều được bà con ứng dụng vào sản xuất đại trà. Giai đoạn tới, đơn vị sẽ chú trọng nâng cao năng lực cho những người làm công tác khuyến nông- khuyến ngư đáp ứng tốt hơn những yêu cầu mới về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động khuyến nông - khuyến ngư: “Cầu nối” đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO