Hội nông dân đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm “đầu ra” cho nông sản

Phan Đinh| 02/05/2016 13:58

Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đang phối hợp với cấp ủy, chính quyền các huyện và thị xã liên kết với chợ đầu mối Bình Điền (thành phố Hồ Chí Minh) xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho hàng nông sản.

ADQuảng cáo

Đa dạng hóa cây trồng, sản xuất bền vững

Ông Nguyễn Văn Xá, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Hội đang tiến hành làm dịch vụ “đầu ra” cho nông sản nhằm giúp nông đa dạng hóa cây trồng và phát triển sản xuất bền vững. Cuối năm 2015, Hội đã làm việc với chợ đầu mối Bình Điền, nơi nhận “đầu ra” cho nông sản của tỉnh, để khảo sát đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, Ban quản lý chợ Bình Điền đã đồng ý cho Đắk Nông đặt 2 ki ốt. Một đêm, chợ Bình Điền thu mua vào trên 3.000 tấn cá, 100 - 150 tấn củ cà rốt... Nói như thế để biết, chợ đầu mối Bình Điền có khả năng thu mua rất lớn. Hai bên đã có chủ trương và khi các huyện, thị xã thí điểm sản xuất thành công thì sẽ ký kết cụ thể về quy mô, sản lượng sản xuất”. 

Đắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển chuỗi giá trị rau, củ, quả

Ngay từ đầu năm nay, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền và Hội nông dân các huyện Tuy Đức, Đắk  R’lấp, Krông Nô, Đắk Song, thị xã Gia Nghĩa cùng với chợ Bình Điền và một công ty phân bón đã đi khảo sát, “kết nối” cả chuỗi đầu vào và đầu ra. Việc khảo sát này cũng để định hình được cây chủ lực, thế mạnh của các huyện, thị xã. Trên cơ sở khảo sát, Hội và các đơn vị liên quan thống nhất Krông Nô trồng cà rốt và củ cải trắng ở những vùng đất phù sa ven sông.

Trước mắt, Đắk Song sẽ trồng bắp cải, xu hào ở xã Thuận Hà, Thuận Hạnh. Huyện ủy và UBND huyện Đắk Song cũng đã quyết định sẽ sớm thành lập 2 HTX để trồng 2 cây chủ lực này. Huyện Đắk R’lấp trồng củ cải trắng, su su, xu hào. Huyện Tuy Đức trồng cà rốt, bắp cải, củ cải trắng, su su, khoai lang. Thị xã Gia Nghĩa trồng hoa và cà đen.

ADQuảng cáo

Sau khi khảo sát, các huyện và thị xã đều quyết định sẽ thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để tập hợp nông dân vào sản xuất bài bản.

Các địa phương triển khai thực hiện

Hiện tại, Hội Nông dân huyện Tuy Đức phối hợp với các đơn vị chuyên môn về nông nghiệp và nông dân đã trồng 6 ha bắp cải tại Khu nông nghiệp công nghệ cao của huyện.

Ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức cho biết: “Hiện bắp cải đã trồng gần 2 tháng và đang phát triển tốt. Hội cũng đã phối hợp với nông dân vừa xuống giống 1 ha củ cải trắng. Đầu tháng 5 này, Hội Nông dân tỉnh, chính quyền huyện và chợ đầu mối Bình Điền sẽ họp bàn cách thức để triển khai thí điểm trồng cà rốt và su su vào đầu mùa mưa này. Chúng tôi cũng sẽ bàn bạc cụ thể về quy mô, sản lượng đối với các cây trồng để tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Trong quá trình sản xuất, địa phương sẽ bố trí hoặc hỗ trợ vốn để xây dựng điểm và nếu thành công sẽ nhân rộng”.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Chủ tịch Hội Nông dân Krông Nô cũng cho biết: "Đầu tháng 4 này, Hội đã thí điểm xuống giống gần 200m2 cà rốt. Đây là cây trồng mới nên nông dân chưa có kinh nghiệm nhưng nhờ có các cơ quan chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật nên hiện nay đang phát triển bình thường. Đối với củ cải trắng thì lâu nay, nông dân cũng đã trồng nhưng chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ để phục vụ cho gia đình hoặc có bán nhưng ít. Qua thực tế trồng cho thấy, củ cải trắng phát triển tốt nên đã được chính quyền địa phương chọn sẽ tham gia vào sản xuất theo chuỗi giá trị. Ở huyện Krông Nô, Hội Nông dân cũng đã tính đến việc ký liên kết phối hợp Công ty Vật tư Nghệ An liên kết sản xuất giống ngô và lúa chất lượng cao. Thực tế, ở xã Buôn Choáh và xã Đức Xuyên cũng đã trồng ngô giống, lúa giống và có giá trị kinh tế cao hơn sản xuất lương thực nên đây sẽ là hướng đi mới của huyện. Chúng tôi hy vọng chuỗi dịch vụ “đầu vào” và “đầu ra” mà Hội Nông dân tỉnh triển khai sẽ giúp nông dân ổn định sản xuất”.

Bà H’Luyên Niê, Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Song thì cho rằng: “Từ nhiều năm trước,  người dân 2 xã Thuận Hà và Thuận Hạnh đã trồng bắp cải và xu hào. Những cây trồng này rất thích hợp với vùng đất ở đây. Thực tế, ở địa phương có những năm bắp cải sản xuất ra nhiều, nông dân phải bán giá thấp hoặc có khi ế vì bán trôi nổi. Do đó, nếu nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị và có đầu ra ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế thì sẽ phát triển bền vững chứ không bấp bênh”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nông dân đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm “đầu ra” cho nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO