Hội Nông dân xã Tâm Thắng: Đồng hành cùng hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế

Hoàng Bảo| 27/08/2018 10:52

Tuyên truyền, vận động kết hợp với nhiều giải pháp giúp đỡ hội viên, nông dân về phát triển kinh tế, giảm nghèo là cách làm của Hội Nông dân xã Tâm Thắng (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) để từng bước giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu.

ADQuảng cáo

Nắm bắt điều kiện, nhu cầu thực tế

Hội Nông dân xã Tâm Thắng hiện có 1.400 hội viên, sinh hoạt trong 19 chi hội. Thời gian qua, đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế, các cấp hội đã nắm bắt điều kiện, nhu cầu thực tế của mỗi gia đình để có sự giúp đỡ thiết thực. Riêng đối với hội viên nghèo, Hội không giúp chung chung mà xác định nguyên nhân nghèo từ đâu rồi tập trung giúp đỡ cụ thể.

Theo đó, các hộ chăn nuôi thường xuyên được tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi heo siêu nạc, nuôi thỏ, nuôi bò lai sinh sản, vỗ béo bò, gà thả vườn và hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh, tham gia trong các tổ hợp tác, câu lạc bộ chăn nuôi cùng sở thích. Các gia đình trồng lúa, ngoài vận động đưa những giống lúa mới, năng suất cao vào trồng thì đến khi thu hoạch còn được hướng dẫn mua sắm hoặc thuê máy móc, tránh lượng lúa thất thoát khi xử lý.

Giai đoạn 2016-2018, toàn xã đã xây dựng các mô hình điểm như trồng cỏ VA06 với 24 hộ tham gia, 12 hộ trồng rau xanh, 18 hộ trồng nấm, 393 hộ tham gia sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C diện tích 93,8 ha và 46 hộ trồng cây dược liệu đinh lăng.

Điển hình như bà Lương Thị Lang ở thôn 8 hiện có gần 2 sào cây đinh lăng. Trước đây, bà Lang chỉ trồng một vài cây để làm cảnh rồi lấy lá ăn trong gia đình. Ba năm nay, bà Lang bắt đầu trồng đinh lăng số lượng lớn xen trong vườn tiêu với diện tích gần 2 sào. Đối với cây đinh lăng trồng trên 3 năm, mỗi gốc bà bán từ 600.000-700.000 đồng. Mỗi năm, bà còn cắt cành bán một lần, mỗi cành dao động 40.000-60.000 đồng.

Việc kết hợp giữa trồng đinh lăng xen trong vườn tiêu đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà Lương Thị Lang ở thôn 8, xã Tâm Thắng

Theo bà Lang, cây đinh lăng đòi hỏi khâu chăm sóc hết sức cẩn thận vì hay bị sâu bệnh, nhưng ngược lại nếu chăm sóc tốt thì cây phát triển nhanh, cành nhiều có thể bán hoặc để nhân giống. Bà Lang cho biết: “So với trồng tiêu, cà phê thì trồng đinh lăng lợi hơn rất nhiều. Lợi là vậy, nhưng tôi chỉ trồng xen trong vườn tiêu. Bởi mỗi cây mỗi thời, cây nào cũng có rủi ro, nên tôi chỉ trồng xen, khi mất cái này mình có cái khác đỡ lo. Hơn nữa, với người già như tôi thì trồng đinh lăng sẽ phù hợp với sức khỏe vì không phải hái như tiêu và cà phê”.

ADQuảng cáo

Vận động sản xuất không chạy theo phong trào

Với những hộ khó khăn, Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp mua hơn 60 tấn phân bón trả chậm để đầu tư sản xuất cũng như tạo điều kiện để hội viên vay Quỹ hỗ trợ nông dân 300 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò lai sinh sản. Cùng với việc giải ngân có hiệu quả các nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, Hội còn vận động hội viên tích cực trong lao động sản xuất, phát huy nội lực, nhất là không chạy theo phong trào để ổn định cuộc sống.

Đơn cử như ông Phạm Văn Vạn ở thôn 8 gắn bó với nghề trồng rau đã hàng chục năm. Với diện tích gần 1 sào gồm đủ các loại rau cải, rau thơm, ngày ít, gia đình ông cũng thu được khoảng 100.000 đồng, nhiều được vài trăm ngàn đồng. Tuy diện tích đất ít, thu nhập chưa thực sự cao, nhưng trồng rau đã trở thành nghề chính của gia đình ông Vạn.

Trồng rau đã trở thành nghề chính của ông Phạm Văn Vạn ở thôn 8, xã Tâm Thắng

Theo ông Vạn, vườn rau nhà ông được trồng kiểu gối đầu, ngày nào cũng có rau để bán. Bên cạnh đó, ông còn chăn nuôi thêm heo để có thêm nguồn thu. Nhà ông có một con heo nái, khi heo sinh sản thay vì bán heo con, ông lại để nuôi heo thịt.

Ông Vạn cho biết: “Trồng rau thì luôn tay luôn chân, không ngơi nghỉ, nhưng bù lại nó lại giúp gia đình ổn định cuộc sống mấy chục năm nay. Nhiều lúc thấy cây trồng khác giá cao cũng ham, nhưng được cái rau nhà trồng ra chưa ế ẩm bao giờ, nên rất yên tâm. Tuy chưa thực sự giàu, nhưng nhà tôi cũng là hộ kinh tế ổn định, không đói nghèo”.

Với việc thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, trên địa bàn xã Tâm Thắng đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ khá, giàu. Đặc biệt, cán bộ, hội viên luôn đoàn kết, sẻ chia, giúp đỡ hộ nghèo để cùng vươn lên. Nhờ đó, từ 2016 đến nay, toàn Hội đã có 26 hộ gia đình là hội viên được giúp đỡ thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 33,5 triệu đồng/người/năm.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội Nông dân xã Tâm Thắng: Đồng hành cùng hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO